Translate

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

HUYỀN CHIP



Tôi không biết gì về “Huyền chip”
(tên thật là Nguyễn Khánh Huyền) cho đến tận lúc này ! Mặc dù vấn đề đã trở thành ồn ào : lời đề nghị thu hồi sách cô viết, đã in ra đến quyển thứ hai ; cuộc gặp mặt với hàng trăm người dự, có cả nữ nhà văn đã nổi tiếng ; tôi đã xem những tấm hình cô chụp được ( xem tại đây http://hieuminh.org/2013/09/29/thu-gui-cac-ban-che-huyen-chip/) cho là ở nước ngoài mà người thì cho là giả nhưng có người là dân IT thứ thiệt như Hiêu Minh, thì lại cho là không phải ảnh photoshop vì nếu trình độ photoshop mà được thế thì quá giỏi ! Tôi cũng đọc qua vài trang http://www.huyenchip.com/ của cô.
Mặc dù vậy thực tâm tôi cũng chưa biết đâu là thật đâu là giả !

Vì quả là gần đây tôi có đôi chút ngạc nhiên thích thú khi đọc tập "Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương" của Ngô thị Giáng Uyên kể về những chuyến đi của mình gần khắp châu Âu từ Bắc chí Nam (14 nước). Không chỉ đi mà Giáng Uyên còn học hỏi và hưởng thụ văn hóa các nước đã đi qua từ uống café ở Ý, ăn bánh croissant ở Pháp, tham dự hội bia Oktoberfest ở Đức v…v mà cô đã ghi lại trong những bài bút ký dễ đọc và cuốn hút.

Khi tôi nói chuyện và tỏ ý cảm phục tài năng của tác giả với đứa cháu gái cùng lứa tuổi lại dẫn đến một ngạc nhiên khác là nữ tác giả Nguyễn Phương Mai. Lớn tuổi hơn Giáng Uyên một chút cô Phương Mai trong khi đang dạy học ở một trường của Hà Lan đã xin nghỉ việc một năm để đi trải nghiệm thực tế. (xem link sau : http://www.youtube.com/watch?v=johiB6O3c4k)   Ông giám đốc đã tròn xoe mắt vì ngạc nhiên khi cô cho hay nơi cô định đến là châu Phi. Và thực tế sau hai lần đi khắp châu Phi và một số nước khác tôi không nhớ hết trên tất cả các châu lục Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi (80 nước) Phương Mai đã cho xuất bản tập du ký “Tôi là một con lừa”. Chỉ mới đọc ba thử thách Phương Mai đã tham dự tôi đã thấy sởn gáy và dám chắc ngay cả nam giới can đảm cũng chưa chắc đã dám thử qua. Đó là trường hợp lượn qua thung lũng Nevis (New Zealand) bằng một chiếc (xe lăn) xích đu cao nhất thế giới 160m ; leo xuống thung lũng theo đường dây cùng dòng thác Maletsunnyane từ độ cao 204m tại Lesotho (Nam Phi) ; dự một cuộc săn cá mập trắng tại Fishhoek (Nam Phi) mà…bản thân không hề biết bơi!!!    
   
Hai nữ tác giả này ra sách và cho đến nay không hề bị chê trách. Có sách còn được tái bản chứng tỏ sự mến mộ của người đọc là khá  cao.

Điều mà Huyền Chip chưa có được sự mến mộ thống nhất như hai nữ tác giả trên là người ta còn nghi ngờ sự xác thực của một số những điều cô đã viết. Cuộc tranh luận giữa những người tin và không tin còn chưa ngã ngũ cho đến hôm nay 3 -10 – 2013. Tại sao không hỏi ngay các cơ quan chức năng nhỉ !, Công An được tiếng là không gì không biết, không ai qua mặt được kia mà !

Đấy không phải là điều tôi có thể kết luận. Tôi thấy trong những ý trả lời người chất vấn có một ý tôi tâm đắc. Đó là khi cô nói ý là “những gì mà cháu làm được mà thời các bác không làm được là vì thời thế nay đã khác : bây giờ có internet, có máy bay giá rẻ…”. Ngoài điều đó tôi còn thấy thế hệ trẻ bây giờ năng động hơn xưa, dám nghĩ dám làm (nhiều khi liều lĩnh), bản lĩnh hơn xưa. Các thế hệ trước chỉ thành công trong mỗi một lĩnh vực học tập hay nói vui là chỉ có máu “giang hồ vặt/thấy mỗi cơm sôi đã nhớ nhà”. Có lẽ vì thế mà những lớp trước thiếu hẳn cái chất ưa xê dịch chăng ?!
   


1 nhận xét: