Translate

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ ? : NGUYÊN NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG & NGUY CƠ BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG



18.Hỏi : Nguyên nhân của đái tháo đường
típ 1 là gì ?
Trả lời : Đái tháo đường típ 1 có nguyên nhân chính là tự miễn dịch tức là cơ thể sản xuất ra các chất chống lại tế bào của chính mình gọi là các tự kháng thể (TKT). Trong ĐTĐ có các  TKT chống tế bào tuỵ, TKT chống insulin, TKT chống decarboxylaza của acid glutamic.
Các nguyên nhân khác là di truyền, chủng tộc (chủng da trắng bị bệnh nhiều hơn các chủng da màu) ; siêu vi trùng cúm, sởi, coxsackie B4 (gần tương tự với siêu vi trùng sốt bại liệt).

19.Hỏi : Nguyên nhân của đái tháo đường típ 2 là gì ?
Trả lời :  Nguyên nhân đái tháo đường típ 2 có thể do :
- Đề kháng insulin là chính, nghĩa là insulin giảm hoặc mất tác dụng sinh học ; kèm theo đó là sự giảm tiết insulin tương đối.
- Giảm tiết insulin là chính (khối tế bào tiết insulin ở tuỵ giảm 50% hoặc hơn) có hay không có đề kháng insulin kèm theo.
Di truyền, chủng tộc
Béo phì, ít hoạt động thể lực, ăn uống không hợp vệ sinh đều có thể dẫn tới sự đề kháng insulin và gây ra đái tháo đường típ 2.

20.Hỏi : Đái tháo đường ở phụ nữ có thai do nguyên nhân gì ?
Trả lời : Ở người có thai bánh nhau thai tiết ra nhiều loại hócmôn để nuôi dưỡng bào thai làm cho thai phát triển. Nhưng các hócmôn này lại là trở ngại cho tác dụng insulin ở cơ thể người mẹ tức là đã gây ra một sự đề kháng insulin. Tất cả phụ nữ có thai đều có một mức độ đề kháng insulin nào đó, nhưng đái tháo đường ở người có thai (đái tháo đường thai kỳ, ĐTĐTK) chỉ xuất hiện khi có tiềm năng bị ĐTĐ và bánh nhau thai đủ lớn để tiết ra lượng lớn các hócmôn gây ra tình trạng đề kháng insulin. Người ta cho rằng thời kỳ đó bắt đầu từ tuần thứ 24 của tuổi thai.
Các nguyên nhân khác của đái tháo đường thai kỳ là di truyền, béo phì.

21.Hỏi : Đái tháo đường thai kỳ khác với bệnh nhân đái tháo đường nữ có thai thế nào ?
Trả lời :
ĐTĐTK là một thể đái tháo đường đặc biệt xuất hiện lúc mang thai. Sau khi sinh, đái tháo đường có thể mất đi, tái phát khi có thai lần sau, hoặc trở thành đái tháo đường vĩnh viễn. Sau khi sinh bác sĩ phải theo dõi sản phụ 6-12 tháng, có khi phải cho làm một vài xét nghiệm đặc biệt để xác định ĐTĐTK có thể trở thành vĩnh viễn hay không, và nếu bệnh nhân có ĐTĐ vĩnh viễn thì là ĐTĐ típ 1 hay típ 2.
Trước thời đại insulin bệnh nhân đái tháo đường có thai là điều hiếm có. Bệnh thường nặng lên nếu có thai, đặc biệt nếu là đái tháo đường típ 1. Ngày nay do những tiến bộ trong chăm sóc, điều trị (nhất là từ khi có insulin) bệnh nhân đái tháo đường có thai là rất bình thường. Một trong những người được ghép thận đầu tiên trên thế giới là một cô gái sinh đôi người Pháp bị đái tháo đường típ 1. Cô gái này lớn lên có gia đình và sau đó sinh con bình thường.
Trong thời kỳ mang thai cần theo dõi ĐH cẩn thận. Y học đã xác nhận chỉ cần ĐH cao hơn bình thường chút ít cũng đủ để gây ra các tác hại nghiêm trọng cho bào thai (dị tật, thai chết lưu v…v). Cẩn thận hơn người ta còn khuyên nên kiểm soát ĐH chặt chẽ (phải đạt mức ĐH gần với bình thường nhất) để chọn thời điểm nên thụ thai tức là kế hoạch hoá sinh đẻ đúng nghĩa nhất.     
Trong thời kỳ mang thai nếu cần phải điều trị bằng thuốc thì bắt buộc dùng insulin, dù trước khi có thai là đái tháo đường típ 2 vẫn dùng thuốc uống có hiệu quả. Điều trị bằng insulin cũng bắt buộc nếu cho con bú. Các loại thuốc uống làm giảm ĐH đều đi vào sữa và đều gây tác hại cho đứa trẻ nên không được dùng trong suốt thời gian cho con bú . 

22.Hỏi : Nếu thấy ĐN (+) ở phụ nữ có thai đã chắc chắn là bị ĐTĐTK chưa ?
Trả lời : Chưa, phải có cả ĐH cao nữa. Vì ngưỡng lọc thận (đối với glucose) ở người có thai thường hạ thấp bắt đầu từ tháng thứ 5 trở đi, nên ĐN có thể (+) dù không có đái tháo đường.

23.Hỏi : Có thể dự đoán trước ai sẽ bị bệnh đái tháo đường không ?
Trả lời : Có một số yếu tố gọi là yếu tố nguy cơ . Người có các yếu tố này dễ bị một bệnh nào đó có thể đoán trước được. Khả năng bị bệnh càng tăng khi càng có nhiều yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường là :
Di truyền : bố mẹ đẻ, anh chị em ruột, cô cậu dì (chú, bác) ruột đã có ít ra là một người bị bệnh.
Chủng tộc : người Mỹ không phải gốc da trắng (Mêhicô, da đỏ, châu Phi) ; người Nam Á ; dân cư một số đảo Thái Bình Dương (Fiji, Nauru, Samoa) ; thổ dân châu Úc.
Béo phì
Cao huyết áp
Đái tháo đường thai kỳ
Đã có lần sinh con có cân nặng lúc mới sinh từ 4kg trở lên
Tuổi đời trên 55 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét