Translate

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

QUÊ NỘI



Ngày trước muốn về quê nội tôi người ta phải đi tàu điện từ Bờ Hồ, lấy tuyến Hà Nội – Hà Đông, đến thị xã Hà 
Đông cách Hà Nội 11km. Tàu điện, có ở Hà Nội từ 1901 tuyến đường Hà Đông nhưng chỉ đến Thái Hà Ấp, mãi đến 1906 mới nối dài đến Hà Đông. Tàu chạy qua Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học ngày nay), đến Giám thì rẽ trái dọc theo Hàng Bột (Tôn Đức Thắng ngày nay), Ngã Tư Sở, Thái Hà Ấp, trạm cuối là Chợ Hà Đông. Qua Ngã Tư Sở đã thấy phong cảnh đặc vẻ nông thôn, hai bên đường toàn là ruộng lúa. Từ Cửa Nam trở đi đường vắng nên tàu điện chạy rất nhanh cho đến Hà Đông, gọi là “mở 7” (tốc độ cao nhất). Từ đó lấy xe ôtô hàng đi theo quốc lộ 21B ngày
nay về Vân Đình, đường xa thêm 29km nữa. Thời đó có xe ca sơn màu vàng của một hãng tư nhân mà ông chủ là một nghị viên Dân biểu Bắc kỳ người làng Hoàng Xá. Một công nhân của hãng xe này là anh Trọng có tật nói lắp nặng, sau này có giúp việc cho hiệu Lợi Quyền.

Một số địa danh trên đường Hà Đông - Vân Đình sẽ đi qua là : Ba La Bông Đỏ, Ngã Tư Vác, Thạch Bích v…v… Đáng nhớ nhất là tại Thạch Bích, là một làng công giáo, nên ngay trên cạnh đường quốc lộ có một đài kỷ niệm một thánh tích đạo Ki Tô, đắp nổi tượng “một vị thần có đôi cánh đang cầm giáo đâm một con thằn lằn khổng lồ miệng phun lửa”. Sau này lớn lên tôi tìm hiểu mới biết vị thần có cánh đó là Tổng lãnh Thiên Sứ (từ cổ Hy Lạp là archangelos) Michael/Michel, hay Thiên Sứ trưởng, một trong ba vị Tổng lãnh Thiên Sứ cao cấp nhất của Ki Tô giáo đang hàng phục con rồng (tượng trưng cho quỷ Satan), chứ không phải con thằn lằn. Có một hàng chữ la tinh hay Pháp “l’archange Michel terrassant le dragon” đắp dưới bức tượng nổi đó (tích trong kinh Tân Ước). Tôi còn nhớ đến Thạch Bích vì tại đó có một ngôi mộ của một cụ tổ họ tôi. Rời Thạch Bích đi theo quốc lộ tới cách Vân Đình khoảng 4km thì bên trái là các làng Bặt (Liên Bạt), bên phải là các làng Lau, làng Lò thì tới làng Xốm. Ngày trước chưa có đường lớn ta phải đi theo một con đường đất men theo các bờ ruộng để về làng.
Còn nếu cứ đi theo đường quốc lộ thì ta sẽ tới thị trấn Vân Đình là huyện lị của huyện Ứng hòa.  Cách Vân Đình 12 km là lối rẽ vào chùa Hương, một thắng cảnh nổi tiếng được coi là "Nam Thiên đệ nhất động".



 

 
Xã Cao Thành
Qnội nhà ta là thôn Cao Lãm, trước gọi là Khả Lãm tên nôm là làng Xốm, thuộc xã Cao Thành, nằm ở Tây Bắc huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây ngày nay (đừng lầm với Sốm thuộc xã Phú Lãm và Phú Lương thành phố Hà Đông). Xã Cao Thành, Bắc giáp Viên Nội (tên nôm là làng Tía ?), Đông giáp Hoa  Sơn (tên nôm/khác là Miêng Hạ, Trần Đăng) và Trường Thịnh (tên nôm làng Lau, làng Lò ‘Đống Lau’, Nam giáp Đồng Tiến (tên nôm/khác Giang làng, Thanh Dương), Đông Nam giáp Sơn Công (tên nôm Tía hạ, làng Chùa, làng Thơ là tên mới ), Tây giáp các xã thuộc huyện Mỹ Đức.
Từ cuối làng lối đi sang Trần Đăng, làng Lau, làng Lò (Hoa Sơn, Trường Thịnh) đi ngược lên theo trục dọc thì tới một ngã ba ; ở ngã ba đó nếu rẽ phải sẽ đến Đình làng, rẽ trái sẽ tới Chợ làng rồi tới cổng chính của làng, lối đi sang Giang làng, và đê dẫn tới Vân Đình (Đồng Tiến, Thanh Dương). Đi qua Đình thì đến Chùa rồi qua một nơi thờ phụng gọi là Quán. Sau cùng tới một cổng dẫn sang làng Tía (Tử Dương, có phải là Viên Nội hay Sơn Công ?). Từ cổng chính của làng phía Chợ đến cổng sang Tử Dương coi như là hết trục ngang của làng.
Theo như hồi tưởng của tôi làng Xốm thời đó (những năm 1930) rất nhỏ. Hình thế làng có hình chữ T với một trục ngang ở đầu làng và một trục dọc đi từ đầu đến cuối làng. Mỗi trục ước có bề dài khoảng 1000m.
Chợ làng tôi không lớn, tuy chợ họp có ngày phiên nhưng vì không phải là làng nghề nên cũng chỉ lèo tèo vài gánh hàng xén, vài người bán gạo, quà bánh lặt vặt. Muốn mua gì cần thiết thì phải đi những chợ xa như chợ Bặt, chợ Tía hay chợ Lau. Ngày thường người làng ít có nhu cầu đi chợ. Cùng lắm chiều chiều họ ra chợ Hôm mua mớ rau, con cá cũng được.
Chùa thì hiển nhiên là để thờ Phật, còn Quán vì chưa được xem thần phả nên không rõ thờ ai ?. Đình làng tôi được dựng từ năm “Bảo Thái thất niên Bính Ngọ” (1726), để thờ hai vị thần  là “Phúc phả hiển ứng đại vương, và Trang thuần trinh thục công chúa” (theo Lê triều sắc sao ghi để ‘phụng sự Thần nhị vị : nhất vị Phúc phả hiển ứng đại vương; nhất vị Trang thuần trinh thục công chúa)[1]. Không rõ công trạng của hai vị này như thế nào và đã sống ở thời nào ? Phải chăng là một đôi vợ chồng vì một vị được phong là ‘đại vương’, còn vị kia là ‘công chúa’ ? Phải đợi khi có dịp được xem thần phả của làng thì mới rõ được. Còn làng Trần Đăng thờ Cao Lỗ (danh tướng của An Dương Vương), hay làng Miêng hạ thờ Cao Sơn (một danh tướng đời vua Hùng thứ 18).
Qua các biến thiên của lịch sử ngôi Đình đã bị tàn phá, đặc biệt là ngày 6 – 4 – năm 1950 đã bị trúng bom trong kháng chiến chống Pháp hư hại nhiều ; năm 2004 – 2005 đã  được tạo dựng lại.
Làng tôi không có những cây cổ thụ như cây gạo, cây đa cây đề như hình ảnh tiêu biểu thường gặp của những làng quê khác. Hình như chỉ ở trong Quán có một số cây cổ thụ um tùm nhưng cũng không lớn lắm, và vì ở nơi ít người lui tới nên không gây ra một hình ảnh êm đềm của làng quê mà trái lại có vẻ âm u thần bí gây sợ hãi cho người yếu bóng vía phải đi qua đó những lúc giữa trưa hay đêm tối vắng người.    


 

 
         
 
Làng tôi không có những cây cổ thụ như cây gạo, cây đa cây đề như hình ảnh tiêu biểu thường gặp của những làng quê khác. Hình như chỉ ở trong Quán có một số cây cổ thụ um tùm nhưng cũng không lớn lắm, và vì ở nơi ít người lui tới nên không gây ra một hình ảnh êm đềm của làng quê mà trái lại có vẻ âm u thần bí gây sợ hãi cho người yếu bóng vía phải đi qua đó những lúc giữa trưa hay đêm tối vắng người.    


Còn có chữ Lợi Quyền trên cổng nhà cũ

Lối đi trong xóm



Nhà ông nội tôi, Cụ Mai Hữu Vượng còn gọi là Cụ Cai hay Cụ Bá, ở cách cổng sau một ngõ tạm gọi là ngõ Cụ Giám. Từ nhà ông nội đi theo trục dọc lên Đình có khoảng 4-5 ngõ.
Sát cạnh nhà ông nội là ngõ nhà ông lý(trưởng) Tân và nhà các chú Khuếch Đặng, Phác. Ngõ tiếp theo là ngõ nhà ông Trưởng (họ) Bờm rồi qua một ngõ nữa là tới ngõ xóm Đình trong đó có nhà ông Mai Thiệu Thuật Theo trục ngang lối đi lên Tử Dương tôi không nhớ có ngõ xóm nào hay không, còn phía Chợ tôi nghĩ hình như cũng có 1-2 ngõ xóm thì phải ? (Chánh Thuật).

 

                           
Tôi chưa từng có dịp được đi sâu vào trong các ngõ xóm nên không biết các ngõ này là ngõ cụt hay còn có những nhánh rẽ ? Giữa các ngõ có khoảng 2-3 nhà nằm dọc theo trục chính của làng, vị trí mà ở các thành phố, đô thị hay gọi là “nhà mặt tiền” thích hợp cho việc buôn bán. Mà quả nhiên tôi còn nhớ là gần ngõ Đình có một tiệm bán những hàng việc buôn bán những thứ lặt vặt cần thiết nhật dụng như dầu hỏa, thông phong (bóng đèn dàu hỏa) diêm, thuốc kẹo bánh rẻ tiền cho trẻ con v…v. Trong làng chắc có khoảng dưới một chục tiệm như vậy.
Cũng như các làng quê miền Bắc làng tôi cũng có một cái giếng đất có xây tường gạch bao quanh và có bậc xây gạch để xuống lấy nước ở gần Đình ; gần nửa dân làng ăn nước giếng đó. Ngay cạnh giếng về buổi chiều thường có dăm ba người đem những cá tôm kiếm được trong ngày, hoặc mớ rau quả trứng ngồi bán nên chợ đó được gọi là “chợ hôm” (tức là chợ chiều). Trước mặt Đình có một cái ao rất lớn nước trong gọi là “ao lão”. Chiều chiều thường có các thanh niên ra tắm và thi bơi ở đó. Bên cạnh “ao lão” có nhiều ao lớn gọi là đầm cách nhau bằng những bờ đất có trồng nhiều cây si cổ thụ, rễ um tùm rủ cả xuống mặt nước luôn râm mát. Những cái đầm đó là nơi nuôi thả cá khá thuận tiện. Nhà tôi cũng có một cái đầm như vậy cho người ta thuê để thả cá. Nên hàng năm đôi ba lần được người thuê đem từ quê ra Hà Nội cho một con cá trắm hay chép rất to ước 4-5kg còn tươi rói bọc trong một đoạn thân bẹ chuối tươi có lót rau ngổ và lục bình bên trong.    
Dọc theo đường làng có một con mương rộng khoảng 3-4m gọi là “cái cừ”. Nếu tôi không lầm thì nơi bắt đầu của ‘cừ’ là những ao đầm trước cửa Đình và nơi tận cùng của nó mãi tận ngoài cổng sau của làng, chắc chắn nó không phải là một dạng ao tù. Hầu như ở mỗi đầu ngõ đều có xây một cái bến rửa có mấy bậc bằng gạch hay đá để đi xuống cừ.




Cừ trước cửa nhà ở quê Xốm
Cừ là nơi giặt rũ, tắm rửa hàng ngày hoặc khi đi làm đồng về của hầu hết dân làng trong các ngõ xóm từ các nhà ở gần đường đến các nhà ở sâu trong các ngõ. Đôi khi người ta còn tắm cho cả trâu bò, chó ở đó.
Một lần tại bến rửa này mẹ tôi gặp bà Trưởng Bờm, người trong họ, mang một con chó bông màu vàng ra tắm. Thấy con chó quá xinh mẹ tôi nói với bà khi nào có chó con thì cho nhà tôi xin một con. Sau này bà Bờm giữ lời hứa đã cho nhà tôi một con chó con lông xù. Đó là một giống chó tốt, những con chó con do nó đẻ ra đều có lông xù như những con chó đồ chơi. Đến khi nhà tôi ra làng Yên thái (Bưởi) ở có mang theo một con chó con giống đó thì khi nó đẻ con cũng có lông xù rất đẹp và rất khôn. Bến rửa còn là nơi gặp gỡ để trao đổi vui vẻ dăm ba câu chuyện vui buồn của những người cùng làng, xóm.
Cơ sở vật chất để bảo đảm an ninh làng xóm thì tôi nhớ là rất xơ xài. Làng có lũy tre gai bao quanh cũng như mọi làng quê khác ; lũy tre trước nhà tôi ở ngay bên kia bờ cừ không có vẻ gì kiên cố. Sau này khi đã lớn mỗi khi về làng tôi thường tưởng tượng nếu có cướp về ngoài lũy tre, ngay bên kia cái cừ, mà chúng ‘bật hồng’ (đốt đuốc) rồi lên tiếng gọi ‘mở cổng để các Quan vào làm việc’ thì từ nhà ông nội tôi sẽ nghe và thấy rõ mồn một. Ngoài ra ở đầu ngõ Cụ Giám có một điếm canh nhỏ xây gạch sơ sài trong có treo một cái mõ gỗ dài hình con cá chắc để dùng khi báo động có trộm cướp, hay để báo những thông tin gì khi cần thiết cho dân làng biết. Ngoài cái mõ không thấy có một vũ khí gì để gây được sự tin tưởng cho người dân. Trên tường điếm trẻ con vẽ đầy hình nguệch ngoạc bằng gạch non hay bằng than củi. Tôi chắc về phía đầu làng cũng có 1-2 cái điếm như thế ở cạnh cổng làng.
Có lẽ làng tôi là một trong những làng nghèo nhất huyện. Ít có nhà gạch, hoặc có xây gạch thì cũng vẫn lợp lá gồi hay tranh thôi ; và hình như không có nhà gác. Mãi đến sau năm 1940 ông nội tôi mới xây được cái nhà một tầng nhỏ, có lẽ là cái nhà gác đầu tiên của làng ? Tuy nhiên đường xá trong làng đều được lát gạch xây nghiêng, lúc đó chưa có đường tráng xi măng như bây giờ, nên rất sạch sẽ trời mưa không bị lầy lội. Nhưng cái mà bây giờ gọi là vệ sinh môi trường thì chưa hề có. Điều này không đáng trách vì là chuyện cách đây gần một thế kỷ rồi. Dọc đường làng nhiều chỗ thấy trẻ con phóng uế rất tự nhiên, bên cạnh đã có vài chú khuyển đứng chờ. Chợt nhớ có ai đó làm bài thơ thậm xưng về các “bãi mìn” đó như sau : chẳng phải cái nhà, chẳng phải đống rơm/ấy là cặn bã của bữa cơm/người ta thường… làm tiệc cho chó/ngư ông dùng để… câu cá mương. Tuy vậy chưa ghê sợ bằng khu vực ngoài cổng sau của làng ; từ cổng làng đi ra phía đồng khoảng 100m hai bên lối đi đã biến thành một hố xí lộ thiên không hề được che chắn. Khách qua đường hay có người làng ưa thích thú thứ nhì sau “thứ nhất quận công…” xin cứ tự nhiên miễn là phải chọn lúc vắng người. Mùi xú uế nồng nặc thật khổ cho ai bắt buộc phải đi qua đó. Cũng may đấy đã là ngoài đồng thoáng khí (có thế mới là thú thứ nhì chứ !), và dăm ba chú mực hay vàng vện lúc nào thường trực sẵn sàng… Và đối với những vùng quê rặt nông như quê tôi thì việc phóng uế bừa bãi tuy mất vệ sinh, nhưng về mặt nào đó thì lại là nguồn bổ xung phân hữu cơ cho nhà nông khỏi tốn tiền. Có khá nhiều người làng … bên cạnh chuyên làm nghề thu dọn nguồn phân thiên nhiên đó (cũng giống như người Cổ Nhuế đối với Hà Nội). Thường đó là những người phụ nữ già có trẻ có ăn vận lam lũ và thường che kín nửa mặt bằng chiếc khăn trùm đầu để tránh người ta nhận mặt mình và còn để giảm bớt mùi xú uế do công việc. Họ đi khắp đầu làng cuối ngõ, trang bị một cái dành tre có quai dài và một dụng cụ chuyên dùng hình nón có chuôi dài hoặc như hình đôi đũa cả dài, người nhặt phân bằng một động tác khéo léo và nhanh nhẹn đã đưa gọn “chiến lợi phẩm” của mình vào trong dành tre. Công việc không chiếm quá một phút. Tuy nhiên hậu quả của cái nghề bất đắc dĩ đó là khá nhiều người làng… bị bệnh đau mắt hột do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng nề.
Công trình công cộng của làng ngoài Đình, Chùa, Quán thì không có gì khác. Không trường học, không nhà hộ sinh. Trẻ em đến tuổi đi học thường phải sang học bên Trần Đăng, hay làng Lau. Chính tôi bắt đầu đi học là học chữ nho ; ông Thầy khai tâm cho tôi là ông Chánh Thuật với quyển Tam tự kinh. Hình như ông cũng còn dạy cả chữ quốc ngữ. Ngoài ông Chánh Thuật không biết còn có ông thầy nào dạy cái món a, b, c đó nữa không ?

Mãi đến sau năm 1940 mẹ tôi mới góp công đức bằng việc xây cho làng ngôi trường tiểu học ở địa điểm gần chợ. Ngôi trường mang tên cụ Hoàng Trọng Phu lúc bấy giờ là tổng đốc Hà Đông, ngày khánh thành trường có mời ông Thống sứ Bắc kỳ (Halewyn ?) về dự. Nghe nói tấm bia kỷ niệm trường ngày đó nay còn giữ được và đem về để ở Đình làng nhân dịp trùng tu Đình sau này (2006).



Trường làng hiện nay, không phải do bà LQ xây

  
Tôi không biết các bà mẹ trong làng khi sinh nở thì làm thế nào ? Chỉ biết tôi được sinh ra là ở phố Hàng Trống Hà Nội nhưng cô em ngay sau tôi thường gọi là cô Măng (tên khai sinh là Xử) sau này gọi là Minh, thì được một cô đỡ tên là Min cắt rốn ngay cho tại nhà ông nội tôi ở Xốm. Cũng khoảng thời gian trước hay sau khi làm trường học cho làng, để giúp các bà mẹ sắp sinh con khỏi phải đi xa, mẹ tôi còn xây cho làng một nhà hộ sinh nhỏ ở địa điểm gần cổng sau của làng.   


Văn hóa, làng nghề, nhân vật và sự kiện
Làng ta là một làng cổ của huyện Sơn Minh (còn có tên là Sơn Lãng) tên cũ của huyện Ứng Hòa, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng thời Lê,Nguyễn.  
Thời Hậu Lê, ‘Lê trung hưng’ làng Khả Lãm đã được tôn vinh là làng khoa bảng vì trong thời gian vài trăm năm làng đã có 99 vị khoa danh, trong đó có những vị đỗ đại khoa. Năm Hồng Đức thứ 21, Trần Di lúc 26 tuổi đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân([1])  khoa Canh Tuất (1490) bia Tiến sĩ số 1361, làm quan đến chức Công bộ Hữu thị lang.
Năm Vĩnh Thịnh thứ 8, Nguyễn Duy Đôn lúc 34 tuổi đậu Đình nguyên đệ nhị giáp (Hoàng Giáp) tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Dần (1712) có tên trên bia Tiến sĩ số 1317, làm quan đến chức Binh bộ Tả thị lang, có sách viết làm chức Nhập thị Quốc tử giám tế tửu (tức đứng đầu Quốc tử giám) khi mất được phong là Công bộ thượng thư tước Hầu. Cụ là cậu ruột các Tiến sĩ Mai Danh Tông và Mai Nghĩa Chính.
Năm Vĩnh Khánh thứ 3, Mai Danh Tông lúc 26 tuổi (có sách nói 36 tuổi) đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi (1731) bia Tiến sĩ số 1307 được phong tước Lãm sơn bá.
Năm Vĩnh Hựu thứ 2, Mai Nghĩa Chính sau đổi tên là Mai Trọng Tương lúc 36 tuổi đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn (1736), bia Tiến sĩ số 1348 làm quan đến chức Hàn lâm hiệu lý. ([2])
Do một họ có đến 3 cậu cháu đều đậu tiến sĩ làm quan một triều nên được gọi là “Tam tiến sĩ đồng triều (Lê)” 
Nguyễn Duy Đôn học rất giỏi năm 18 tuổi đã đậu Cử nhân, khoa  thi này (lấy đỗ 17 Tiến sĩ) không có Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa nên cụ đỗ cao nhất.
Tộc phả còn ghi rằng khoa Bính Thìn đáng lẽ cụ Mai Nghĩa Chính đậu Trạng nguyên nhưng vì khoa đó có cháu chúa Trịnh Giang là Trịnh Tuệ cùng dự thi. Lúc đó các quan giám khảo muốn lấy lòng chúa Trịnh nên làm sai một nét chữ trong bài của cụ Mai Nghĩa Chính đi để đánh xuống hạng 3 (đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân). Theo một thuyết khác thì sử gia cũng như dư luận đương thời đều cho rằng khoa thi này Trịnh Giang có ý tổ chức thi Đình ở phủ chúa Trịnh ( không phải ở điện vua Lê như thường lệ) mà sự lấy Trịnh Tuệ đỗ Trạng Nguyên là do sự bố trí của hoạn quan Hoàng Công Phụ (dẫn theo sách Đại Việt sử ký tục biên, dẫn lại trong CNKBVN)

Nhưng đến nửa đầu thế kỷ XX thì văn hóa của làng không có gì nổi trội. Cứ lấy việc cả làng không có nổi một trường tiểu học mà suy ra thì đủ hiểu. Không biết trong khoảng thời gian đó các nhà khoa bảng người làng ta theo tân học có ai không  thì tôi không được biết.
Theo ông Mai Danh Canh, trưởng họ Mai hiện nay (2006), thì  họ Mai định cư ở Cao Lãm đã gần 700 năm, theo như ghi tại phả điệp của dòng họ Mai. Theo bia Hoành Cừ Khả Lãm, do Tiến sỹ Trần Di (1465) lập thì làng có 12 giòng tộc. Họ Mai ở Khả Lãm đã 6 - 7 đời (khi bia được dựng). Đến nay (2006) đã là đời thứ 17, phát triển đến 20 chi ở toàn miền Bắc Việt Nam lấy ngày 18 – 2 Âm lịch là ngày giỗ tổ. Đến đời thứ 7 thì họ Mai tách thành 2 chi : chi trưởng và chi thứ ; gia đình nhà ta thuộc chi trưởng.
Ngày nay thôn Cao Lãm còn có 7 giòng tộc :
1.    Họ Đông Nguyễn
2.    Họ Tây Nguyễn
3.    Họ Nam Nguyễn
4.    Họ Bắc Nguyễn
5.    Họ Mai
6.    Họ Hoàng
7.    Họ Lê
Trong bảng liệt kê của ông trưởng họ Canh (chi trưởng họ Mai) không thấy nói gì đến họ Trần ?
Nguồn gốc họ Mai ở Khả Lãm có liên quan gì đến sự kiện lịch sử Trần Kiện và Trần Ích Tắc, là các hoàng thân quốc thích của vua nhà Trần, hàng giặc Nguyên và bị đổi từ họ Trần sang họ Mai năm 1289 không ?. Trần Kiện thành Mai Kiện, còn Trần Ích Tắc thì gọi là Ả Trần ý chê ông nhút nhát như một người đàn bà (xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Nguyễn Khắc Thuần dẫn trong Đại Cương Lịch Sử Văn Hoá Việt Nam Tập 1 NXB Giáo Dục 2004, trang 226-227 ; và “Một ngày ở làng Khoa Bảng” của Quách Vinh báo Văn Nghệ số 33 (1753) ngày 14-8-1993). Đó là một tồn nghi mà những người con cháu họ Mai nào quan tâm đến nguồn gốc dòng họ của mình phải tìm hiểu sau này.


Bây giờ ta hãy quay lại những năm 30 – 40 của thế kỷ trước để nhắc lại một vài nhân vật quen thuộc của làng. Trước hết phải nói đến ông lý trưởng làng tôi là ông lý Tân, không biết ông có cùng họ với tôi không ?. Nhà ông ở cách nhà tôi mấy nhà, sâu trong ngõ. Trong các chức sắc của làng ngoài chức lý trưởng còn có các vị Tiên chỉ, Chánh Hội, Trưởng bạ, Thủ quỹ v…v, nhưng tôi chỉ nghe nói nhiều đến ông lý Tân và cũng có biết qua ông vì ông ở gần nhà tôi ; ông nội tôi hay thầy tôi hàng năm phải tới nhà ông để nộp thuế thân ngoài ra hình như cũng không có mối giao du thân thiết.
Người thứ hai tôi muốn nói đến là ông Mai Thiệu Thuật, đã có thời ông làm Chánh Hội nên thường gọi là ông Chánh Thuật. Ông Thuật là người trong họ, trước có theo học một vị khoa bảng bên làng Bặt nên ông vừa giỏi chữ Hán vừa thông hiểu về Đông y và Địa lý (thuật phong thủy). Chính ông là người đã dạy tôi học chữ nho và chữ quốc ngữ (?) đầu tiên. Ông còn là bạn thân với thầy tôi, đã giúp đỡ thầy mẹ tôi rất nhiều khi bắt đầu mở cửa hàng bán vải Lợi Quyền ; ông còn là người tìm các kiểu đất để mộ cho ông bà tôi sau này.
Một vài người tài hoa mệnh bạc thì có con trai cụ Giám, cụ là một bạn thân của ông nội tôi, và bác Bờm trưởng họ. Con trai cụ Giám nghe nói văn hay chữ tốt lại giỏi nghề bắn cung nỏ, bác thường hay đi săn ở vùng núi xa, có lẽ là Hòa Bình, và mất trong một lần đi săn. Bác là thân sinh của các anh Nhang, Trường, Thọ. Bác Bờm trưởng họ thì lại theo binh nghiệp, nghe nói bác đi lính tàu bay (?) và được một chức hạ sỹ quan. Là người An Nam lại được phong cấp sỹ quan trong một quân chủng danh giá như thế thời đó là hiếm có lắm. Không may là hình như bác lại mất sớm.  
Tôi còn nghe nói trong làng có bà Chánh Triều là người nổi tiếng giàu có và có một anh con trai học giỏi đang học ở Hà Nội (?). Ngoài những người đó thì vì tuổi nhỏ quá tôi không biết còn có những nhân vật nào đáng nhớ nữa. Tôi chỉ thấy quê tôi sao mà nhiều người mang chức danh Hương trước tên tục của mình như thế, nào là chú Hương Điều, nào là chú Hương Ngà v…v

Nhân vật đáng nhớ ở làng tôi còn có một người khuyết tật bị câm từ nhỏ. Kể về tuổi tác thì bác ấy vào hàng cha chú tôi, nhưng người lớn trong làng thường gọi là “thằng Câm”. Cách gọi đó không hẳn là một sự miệt thị, nhưng có lẽ do thói quen nhiều hơn. Bác Câm rất hiền nhưng cục tính, không vợ con, và là người tốt bụng hay giúp đỡ. Bất cứ nhà ai có việc gì như sửa nhà, có đám giỗ là có mặt bác ngay. Bác sẵn sàng làm đỡ bất cứ việc gì trong nhà, không bao giờ đòi công xá gì. Tôi quên không nói người làng gọi bác là “Câm lớn”, vì còn một người khác là “thằng Câm con” ít tuổi hơn bác nhiều và tính nết cũng không thuần như bác. Không rõ sau những biến cố quan trọng của đất nước thời 1945, rồi cải cách ruộng đất, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì hai con người xấu số đó sẽ phiêu dạt về đâu?
Người làng tôi có đặc điểm khi phát âm chữ ‘r’, cũng giống như người miền Nam vậy. Khi nói ‘cái rổ, cái rá’ thì chữ ‘r’ uốn lưỡi rất rõ không thể nhầm với chữ khác được. Con cái, nếu bố mẹ còn trẻ thường gọi là anh, chị. Khi tôi đã sống ở Hà Nội đến 9 – 10 tuổi vẫn còn gọi mẹ tôi bằng chị. Tục lệ này tôi không rõ giải thích như thế nào? 


Thời xa xưa khi huyện Ứng Hòa còn có tên là huyện Sơn Minh thuộc phủ Ứng Thiên  thì vùng đất này nổi tiếng có những làng nghề giỏi như ghi nhận trong bài ca dao sau (“kẻ” là từ cổ chỉ địa danh) :

Bưng trống thì Ngã Tư Rùa
Đan thúng kẻ Ngảy, đan lờ Thanh Giang
Kẻ Lò đan những giần sàng
Bún bánh kẻ Bặt, dưa gang kẻ Đình
Khéo thợ thì huyện Sơn Minh,
Dệt lụa kẻ Xốm, đan giành Đống Lau…
Như vậy trong quá khứ Khả Lãm (kẻ Xốm) đã từng là quê hương của nhiều người làm nghề dệt nên những tấm lụa đẹp và khéo lắm ; trên bờ Ao Lão lúc đó chắc phải tấp nập những cô gái giặt lụa như những làng chuyên dệt lụa như làng Vạn Phúc ?
Đến khi tôi 4 – 5 tuổi (1934-35) thì không còn thấy bóng dáng gì của “lụa kẻ Xốm” nữa. Mẹ tôi cũng có một khung cửi và có một bà già người làng đến phụ giúp những việc kéo tơ, quay tơ, dệt vải. Nhờ có khung cửi đó nên thỉnh thoảng trong bữa cơm lại có thêm đĩa nhộng rang béo mập. Tôi còn nhớ bà già phụ giúp cho mẹ tôi tên là bà Khê, không biết bà bao nhiêu tuổi nhưng tôi thấy bà có mái tóc bạc trắng rất đẹp lão. Nghề canh cửi chắc cũng không mấy phát đạt nên khung cửi của mẹ tôi cũng lặng lẽ được xếp xó lúc nào tôi không nhớ. Tuy nhiên bên làng Bặt thì cho đến nay (2008) vẫn còn hai thôn Bặt bún (làm bún) và Bặt rào (thợ rèn), hay thôn Đống Vũ xã Trường Thịnh đan dần xàng như trong bài ca về làng nghề ở trên.

Về những hoạt động làng nghề khác ở quê tôi thì theo ký ức của tôi cũng không thấy có gì nổi bật. Nghe nói có nhiều người theo nghề mộc, nhưng cũng đều đi làm ăn xa không hoạt động ở làng. Vì đa phần nam giới phải rời làng tìm kế mưu sinh, nên công việc nhà nông là do phụ nữ gánh vác. Nhiều các bà, các chị người làng tôi theo trâu cày bừa rất giỏi không thua gì nam giới. Đúng quê nội ta là một quê nghèo !


Huyện Ứng Hòa có nhiều lễ hội dân gian khá nổi tiếng. Nhưng từ lúc nhỏ cho đến sau này khôn lớn tôi thấy quê tôi không có lễ hội gì đặc biệt.
Chỉ nghe mẹ tôi kể là khi mới về làm dâu, thấy có năm làng mở hội rước kiệu ở khu vực Đình. Tham gia rước kiệu toàn là các cụ ông đóng khố đỏ mình trần, vừa đi vừa hát một điệu hát thờ lâu ngày tôi quên mất lời, chỉ còn nhớ có một câu thường lắp đi lắp lại rằng “giời mưa cái hội rằng a…nước chảy qua cầu…í a ì a…”. Thật là tiếc nay không còn biết hỏi ai về hội của làng nữa!

Nhưng các làng sát cạnh làng tôi, gần thì như Hoa Sơn, xa hơn thì có Liên Bạt, Phương Tú đều có những lễ hội rất vui. Các lễ hội này đều nhằm tái hiện chiến công của các danh tướng thời cổ như Cao Lỗ (thời An Dương Vương) tại Trần Đăng xã Hoa Sơn ; Cao Sơn Quí Minh (thời Hùng Vương thứ 18) ở Miêng hạ xã Hoa Sơn ; Bạch Tượng Bạch Địa Đô Đài (?) xã Phương Tú ; hay đề cao tinh thần hiếu học, quý trọng tri thức văn hóa khi suy tôn các thánh đệ nhất Đặng Sĩ, đệ nhị Đặng Xã, đệ tam Đặng Lang ở Liên Bạt.
Tế thần, rước kiệu, thậm chí múa các điệu múa cổ như múa sênh tiền thường là những nghi thức hay gặp trong các lễ hội dân gian ; nhưng ở đây ta thấy hay nhắc đến đốt pháo như trong mấy câu ca dao sau :
Mồng bốn xem pháo Sơn Minh
Ta lại hẹn mình mồng sáu pháo Đăng
Mồng tám đi chợ Đình chăng
Trở về pháo Bặt ta rằng cùng nhau…

Nhưng hội không phải chỉ có pháo, và đã có một sự kiện bi thảm liên quan đến pháo mà đến nay tôi còn nhớ và sẽ nói sau.

Tiếng pháo nổ gây một không khí hội hè náo nức, cầu cho mưa thuận gió hòa ; và còn làm ta liên tưởng đến tiếng pháo lệnh của những đoàn quân xung trận với “tiếng người reo, ngựa hí tiếng loa vang” (Tiếng địch sông Ô, thơ Phạm Huy Thông). Bây giờ ta hãy cùng nhau xem hội pháo làng Miêng hạ : 

“ Sơn Minh là tên xưa của làng Miêng Hạ nay thuộc xã Hoa Sơn, vì tránh húy vua Minh Mạng nên đọc chệch gọi là Sơn Miêng rồi Miêng Hạ. Hội làng hàng năm tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng. Tương truyền, ngày này, thần Cao sơn, vị thành hoàng làng thờ ở đền Thạch được dân tôn xưng là Đức Thánh cả cầm quân đi đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang dưới thời vua Hùng thứ 18 đã giành thắng lợi, đem quân về Miêng Hạ mở hội khao thưởng.
Lễ hội khai mở vào giờ thìn, từ 7 đến 9 giờ sáng, bằng một tiếng pháo lệnh. Làng có 6 giáp chia phiên đến lượt giáp nào đăng cai tổ chức lễ hội năm đó thì ông trùm giáp được cầm trịch (cầm dùi) đánh 3 hồi trống và ra đốt ngòi pháo lệnh.
Ống lệnh bằng đồng, quả pháo nhồi thuốc nặng đến 30-40kg. Nghe tiếng pháo lệnh nổ thì từ ba nơi đền Thạch (của giáp Thạch, giáp Trù), đền Đông (của giáp Đông, giáp Tây), đền Thượng (của giáp Thượng, giáp Đình) sẽ nghênh kiệu về tựu ở đình. Mỗi nơi rước 2 cỗ kiệu, trong đó có một kiệu rước cây bông. Cây bông là vật làm bằng tre kết cấu hai tầng hình nón cụt, mặt trên đường kính 10cm, mặt dưới 40cm, xung quanh ken đều 36 thanh tre vót tròn dài khoảng 40cm vòng quanh mỗi thanh tre quấn giấy xanh, đỏ, vàng để tua. Tâm hình nón cụt là một ống tre dài khoảng 40cm, được định vị bởi hai thanh tre hình chữ thập ở mặt và khoảng gần hình chóp.
Các giáp rước các cỗ kiệu, trong đó có kiệu cây bông, về đặt trước cửa đình để tế lộ thiên vào giờ ngọ (12-1 giờ chiều) hay còn gọi là tế yến lộ thiên. Nghi thức tế rất long trọng. …sau nghi thức tế thần, người chủ tế xướng Thiêu pháo (đốt pháo). Dứt lời, hàng loạt cây pháo của các hàng giáp và các gia đình thi nhau đốt tạo nên một không khí sôi động tiếng pháo mô phỏng tiếp sấm, loé ra ánh chớp và tưởng như dào dạt những trận mưa không dứt tưới xuống làm tốt tươi mùa màng.”  

Đến đây tôi xin dừng lại để nhắc đến tai nạn bi thảm mà tôi đã nói ở trên. Lúc tôi còn nhỏ sống ở làng, một hôm tôi thấy những người lại chơi với mẹ tôi kể chuyện là ở trên Đình người ta mới chuyển đến một người bị thương vì đốt ống lệnh. Như kể ở trên “ống lệnh là một ống pháo bằng đồng nhồi thuốc pháo nặng đến 30-40kg.”, khi đốt nếu những mảnh vỏ pháo bằng đồng văng ra thì sức công phá của nó chắc là khủng khiếp lắm. Thương vong chắc là không tránh khỏi !. Tin đó đã gây nên một sự khiếp sợ trong dân làng mặc dù cũng có người tò mò rủ nhau đi xem. Việc đốt ống lệnh chắc không phải xảy ra ở làng tôi, vì xưa nay làng tôi chưa từng có hội đốt pháo bao giờ, chắc chỉ có thể là một nạn nhân của hội pháo nào đó, Miêng hạ chẳng hạn ?

Lễ hội pháo Miêng hạ còn có phần tiếp theo là các “trò ội ại, và trò bắt lươn/chạch trong chum”. Các trò này có thể là biến tướng của một lễ hội phồn thực rất phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ dưới tên gọi là ‘hội nõn nường’. Ta hãy nghe kể tiếp :

…Sau này hội pháo tốn kém, làng không tổ chức nữa mà chủ yếu diễn trò ội ại.
Vui hội và tế lễ thần cho tới buổi tối ngày rã đám, khoảng nửa đêm, thì làng có tiết mục giải áo, nghĩa là mọi màn trướng ở đình đều hạ xuống. Sau đó, các quan viên vào làm lễ tạ. Cuối cuộc tế tạ là lễ tế tẩu mã. Khi ấy đèn đuốc trong đình đều đã tắt, trai đinh các giáp vào đình không ai nói cười, lặng lẽ đưa các cỗ kiệu ra khỏi đình. Ở ngoài, dân hàng giáp đón kiệu bằng những bó đuốc, thắp sáng áp giá về đền. Bấy giờ 6 cây bông của 6 giáp được một cụ già làng buộc túm vào một sợi dây, ròng qua một chiếc đinh ở chính giữa thượng lương đình. Đèn lại bật sáng, trai đinh các giáp vào đình cùng hướng mắt vào 6 cây bông treo lơ lửng ở gian giữa. Làng bắt đầu diễn trò ội ại…


Khi đèn đuốc trong đình vụt tắt thì một cụ già của làng cởi dây thả 6 cây bông treo ở thượng lương xuống. Bấy giờ trong đình tối như bưng, hầu hết chỉ có trai đinh của các giáp. Tuân thủ theo hèm của làng, họ phải cởi hết áo quần ra, chỉ mặc quần đùi (cụ già đóng khố), sau đó trai đinh miệng hô ội ại và lao vào cùng nhảy lên với cướp cây bông xuống. Một ai đó giật được cây bông xuống thì xé bông cướp lấy cái nõ bằng tre trong tâm cây bông chạy ra ngoài đình đem về đền của giáp. Kỳ ội ại, các đinh của giáp nào cướp được ba cái nõ cây bông, giáp đó tâm niệm trong năm làm ăn gặp nhiều may mắn. Việc cướp được nõ trong đêm tối rất vất vả, bởi vì các trai đinh tranh nhau giằng xé. Ai đó không có may mắn cướp được nõ thì họ nhặt các thanh tre quấn giấy đem về nhà làm phước.

Trò ội ại ở làng Miêng Hạ còn gọi là trò cướp nõ xé bông. Ội ại là một từ hèm rất cổ chưa rõ nghĩa, nhưng về mặt ngữ âm phát ra từ cửa miệng trai đinh nó phản ánh động tác khi mạnh khi nhẹ, tiến tới (ội), lùi (ại). Còn cướp nõ xé bông thì thành ngữ tiếng Việt đã có câu "ba mươi sáu cái nõn (nõ) nường" ám chỉ mỉa mai ai đó đòi hỏi những điều quá đáng bắt nguồn từ một tục cổ ở miền Dị Nậu và Khúc Lạc (Phú Thọ). Xưa, dân làng làm các vật tượng trưng giống đực (nõn), giống cái (nường) bằng gỗ và những người khiêng kiệu rước thần vừa đi, vừa hát: "Ba mươi sáu cái nõn nường cái để đầu giường cái để đầu tay". Khi kiệu đến nơi thờ, người ta tung nõn nường cho mọi người cướp. Ai được, coi là điềm tốt. Có điều, ở hội làng Miêng Hạ, trò ội ại cướp nõ xé bông không thấy xuất hiện chữ nường mà chữ này đã thay thế bằng chữ bông. Con số 36 đã biến dạng ở Miêng Hạ chỉ có 6 nõ và mỗi nõ được chụp một bông có 36 thanh tre quấn giấy để đầu tua. So với một số nơi có tín ngưỡng phồn thực, trò ội ại ở Miêng Hạ vừa có cướp nõ như ở Dị Nậu (Phú Thọ), vừa có tục tắt đèn như ở hội Giã La (Hoài Đức) vừa có tiếng hô ội ại mà ở vài nơi hô là tùng dí như ở hội làng Vi Cương và Triệu Phú (Vĩnh Phúc) nhưng nét độc đáo ở hội làng Miêng Hạ là trai đinh cởi trần đóng khố cướp nõ xé bông. Phải chăng tục ấy ánh xạ cái thời người nguyên thủy đóng khố cởi trần diễn lễ mà sau này người dân vô thức diễn lại.

Bản thân hình cây bông dù đã cách điệu hóa và dân làng Miêng Hạ duy trì tục hèm nhưng không thể cắt nghĩa nổi bản chất của trò ội ại nên giải thích theo suy đoán chủ quan là cây vàng cây bạc và diễn tục cướp vàng cướp bạc. Hình cây bông thực chất là hình ảnh tượng trưng của hai vật âm - dương. Trai đinh các giáp cướp được nõ lấy làm phấn khởi lắm. Họ mang về thành kính dâng nõ lên bàn thờ thổ thần của giáp ở đền. Sau một hồi tế tạ, họ mang nõ ra hoá (đốt thành than) trước sự reo vui của dân hàng giáp. Ai cũng đều tâm niệm năm đó giáp mình làm ăn gặp nhiều may mắn.

Trò ội ại, trong hội lễ làng Miêng Hạ chính là tâm thức của quần chúng mong trong ngày hội đầu năm của làng âm dương hòa hợp để không ngừng sinh sôi phát triển cho dân an vật thịnh, phồn thực mãi cùng với tiếng pháo cầu mưa, cầu sự mát lành mang đậm dấu ấn của một lễ nghi nông nghiệp cổ ở vùng châu thổ sông Hồng. Những năm gần đây, trò ội ại ở làng Miêng Hạ được diễn lại thành một trò vui rất sinh động trong ngày hội mang thêm ý nghĩa mới là dân làng cướp vàng cướp bạc lấy may thu hút khách thập phương tới xem và tham gia một sinh hoạt văn hoá độc đáo ở Hà Tây.

Hội ‘bắt lươn/chạch trong chum’ ở Miêng hạ không được mô tả rõ, nhưng chắc cũng giống một loại có cùng một chủ đề ở nhiều nơi khác :  hội Dưng nổi tiếng ở Phủ Vĩnh Tường xưa ( nay là xã Văn Trưng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc) ; trong các ngày hội mùa xuân, tại đền Phú Mẫu (huyện Yên Phong), đền Đậu (huyện Quế Võ), đình Á Lữ (huyện Thuận Thành) ; ở Vĩnh Phúc tại đình Bạch Trữ (huyện Mê Linh). Các lễ hội này tương tự giống nhau, ta hãy xem một thí dụ :
Trò chơi bắt chạch là một trò chơi dân gian còn phổ biến ở một số nơi như: Tử Đà, Tiên Du (Phù Ninh), xã Thạch Trúc (Lập Thạch). Đặc biệt xã Tứ Trưng (Vĩnh Tường) vào ngày 6 tháng giêng có trò chơi bắt chạch rất vui. Người ta để 7 cái chum ở trước sân đình, trong đó có một ít nước và mỗi chum thả một con trạch. Từng đôi trai gái xin vào bắt chạch cầu con. Trước khi vào bắt phải làm lễ thánh rồi từng đôi mắt nhìn nhau, tay múa đi đến chum. Một tay ôm ngang lưng nhau, sờ vào nhau còn mỗi người một tay thò vào chum bắt chạch. Các quan viên chức sắc, các bô lão trong làng ngồi trong đại bái xem và bắt bẻ những đôi nào không đúng động tác, còn ngoài sân dân làng vừa đứng xem vừa trống chiêng hò reo động viên, vui vẻ. Nhộn nhịp nhất là khi đôi nào bắt được chạch giơ lên trình các cụ coi như nhận lộc may của thánh. Ở  vùng Thu Cúc - Thanh Sơn cũng vào dịp mùa xuân, dân tộc Mường quanh vùng đến xã Thu Cúc (xưa gọi là Mường Cúc) rủ nhau đến hang ngựa để hát ví với nhau, đưa nhau vào hang tự tình vui vẻ và gọi là “ti giống mái”.

Nếu hội ‘nõn nường, ội ại’ mang rõ tính chất phồn thực, thì trò ‘bắt chạch/lươn trong chum’ chỉ mang tính trữ tình, vui nhộn và tài khéo léo. Đôi trai gái tham gia trò chơi bắt trạch trong chum này thường đã có tình ý với nhau từ trước nay được cơ hội công khai vui đùa với nhau ; mà người chơi vừa phải nhanh tay vì chum thì bé, con lươn thì trơn mà chỉ được dùng một tay nên bắt được không phải chuyện dễ nhất là khi thời gian chỉ có hạn. Bù lại người chơi được dịp bá vai bá cổ, nắm ‘nhầm’ hay cố ý nắm nhầm tay nhau. Người xem cũng được những trận cười thỏa thích.
“Thô…ốc ơ. Thô…ốc ơ” (thuốc ơ). Một người tàu mặc bộ áo chàm bạc phếch, đầu đội một cái nón rộng vành đan bằng tre hay mây, gánh hai cái sọt tre che kín bằng lá chuối khô, vừa đi vừa rao bán thuốc bằng cái giọng lơ lớ. Thỉnh thoảng vẫn có một hai người tàu, người làng tôi gọi là dân bán ‘thuốc ê’ dạo qua làng bán những loại thuốc dân tộc hay vài thứ thuốc tễ như vậy nên cũng chẳng ai chú ý. Nhưng hôm nay có sự lạ vì thấy có một thằng bé con độ 3 – tuổi lũn cũn đi theo anh thuốc ê đó. Có mấy bà, mấy thím đang giặt áo bên cừ hay hái rau muống nhìn kỹ rồi bảo nhau “Quái đứa bé nào như con Chị Trạch ấy nhỉ ?”. cả đám đông ồn ào, người thì gọi hỏi anh thuốc ê người thì chạy vội về báo cho gia đình tôi biết. Thấy động anh bán thuốc ê nhanh chân chuồn ra phia đầu làng ; còn tôi thì gia đình ra nhận về và khi được hỏi sao lại đi theo anh bán thuôc ê thì tôi thuật lại rằng “Chú ấy bảo đi với chú ấy chú sẽ cho nhiều kẹo”. Thời đó đã có những người chuyên đi dụ dỗ phụ nữ và trẻ em để bán sang tàu, người ta gọi những người đó là “mẹ mìn”. Nói cho đúng thì trẻ con nào mà chả thích kẹo thích của ngọt, mà ở làng tôi trong các đám giỗ chạp người ta hay làm một loại nước chấm ngọt gọi là “thang”. Chấm sôi trắng với thứ “thang” đó đối với tôi rất cám dỗ, nên khi nào được người lớn cho đi theo ăn cỗ bao giờ tôi cũng hỏi có “thang” thì tôi mới đi. Nếu không có người cản lại hôm đó đi theo chú thuốc ê thì đời tôi bây giờ không sẽ ra sao rồi?
Từ quê tôi đi chùa Hương không xa lắm. Đi bộ từ sáng sớm thì tối có thể trở về nhà được. Tôi còn nhớ một lần mẹ tôi theo người làng đi hội chùa Hương từ sáng tinh mơ. Cô Minh lúc đó chỉ hơn 1 tuổi giao cho anh Vân, con một người trong họ mà mẹ tôi nhận làm con nuôi, trông. Trời xế chiều anh Vân cứ vẹo người bế cô Minh luôn mồm khóc mếu hỏi “sao mà ‘chị’ chưa về” ? Mãi tối khuya, hay hôm sau, mẹ tôi mới về tới nhà, vừa đi vừa về tới 50 – 60km còn gì,  mang theo lộc đi chùa và những quà đặc sản chùa Hương là mơ và những con sâu đá, một loại sên mà chỉ có ở chùa Hương.
Đấy là vài nét về quê nội theo hồi ức những năm còn nhỏ. Ngày nay 2008 chắc đã có nhiều thay đổi. Làng đã có điện, và chắc có nhiều kiến trúc mới. Đường nối với quốc lộ 21B đã được trải đá đi lại thuận tiện. Huyện Ứng Hòa đã trở thành một quận của tỉnh Hà Nội mở rộng.
Khi nào có dịp về lại quê cũ, hoặc các con em trong gia đình có điều kiện sẽ bổ xung để con cháu sau này biết về lịch sử quê hương bản quán của mình.
Bản thảo viết xong tháng 5 – tháng 7 năm 2008
Bản sửa chữa lần I tháng 3/2012
Bản sửa chữa lần II tháng 8/2015




TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A2n_c%E1%BA%A5p_h%C3%A0nh_ch%C3%ADnh_Vi%E1%BB%87t_Nam Phân cấp hành chính Việt Nam (lịch sử)

2.    http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_T%C3%A2y Hà Tây Wikipedia Bách khoa toàn thư mở.
3.    http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_%C4%90%C3%B4ng Hà Đông Wikipedia Bách khoa toàn thư mở.
4.    http://ca.answers.yahoo.com/question/?qid=20080122073653AAW193k  Đạo và đạo thừa tuyên   
5.    http://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BB%A8ng_H%C3%B2a Ứng Hòa Wikipedia Bách khoa toàn thư mở.
6.    http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_N%E1%BB%99i   Lịch sử Hà Nội Wikipedia Bách khoa toàn thư mở.
7.    Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc. Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long Hà Nội tập1, 2. NXB Trẻ 2000





[1] Thứ tự các cấp tiến sĩ như sau : hạng nhất là Đệ nhất giáp có các danh hiệu cao nhất Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, còn gọi là tiến sĩ cập đệ đệ nhất, đệ nhị và đệ tam danh ; hạng nhì là đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân ; hạng ba là đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Đình nguyên là người đỗ đầu kỳ thi Đình, có thể không phải là Trạng nguyên.
[2] Không rõ các TS này thuộc ngành nào của họ Mai vì không thấy nói trong bản Thế thứ tôn đồ.

 


[1] Theo Thư kêu gọi phát tâm công đức v/v phục dựng đình làng Cao Lãm số 01-PD ĐL của Ban chỉ đạo phục dựng đình làng.