Translate

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Trại hè của một số người Việt tại Pháp những năm 1949-1954

TRẠI  
của một số người Việt tại Pháp những năm 1949-1954
 BAILLET
Huy hiệu của thị trấn Baillet


Ngọn lửa trại đỏ hồng đã bùng bùng cháy ở trung tâm sân. Xung quanh, từng nhóm từng nhóm các anh các chị tập hợp theo tổ của mình đang chuyện trò rôm rả. Ban Phụ trách trại lên  tiếng chào mừng những người tham dự và tuyên bố đêm liên hoan bắt đầu.
Khai trại là nhóm Hướng đạo sinh ngành Tráng gồm các anh TTQ., anh L. “kiếng”, anh Gấu (L.), chị TC. với màn “Lễ thánh Allah”. Mọi người thán phục anh L. vì các động tác “prière mahométane” rất chuẩn và lời cầu nguyện “Allah chí cao, người sống muôn đời” được các bạn diễn phụ hoạ “như thật”.
Rồi kìa sao trong đêm lửa trại này lại xuất hiện người phụ nữ trong bộ đầm dạ hội trắng hở ngực rất rộng và lưng gần như trần thế kia ?! Trông điệu bộ của cô với đôi mắt đong đưa người ta dễ dàng nhận ra người của giới “chị em ta”. Đưa tay ngoắc đầy ngụ ý cô nói :
-
 “Hello mon chou, tu viens chéri ?” rồi cô hát tiếp bằng tiếng Việt “Từ khi tôi qua Balê, thấy nhiều cái hay hay ghê ! mỗi nơi một bộ tịch một hạng tiền, nơi hai ba trăm, nơi năm mươi ngàn…”.


Tu viens, chéri !
Vừa nhún nhẩy đi qua đi lại trình diễn các điệu bộ gợi cảm rất nhà nghề vừa kể vanh vách tên các xóm bán hoa lừng danh ở Paris như Strasbourg-Saint Denis, Madeleine, Champs-Élysées.
Tiếng vỗ tay, tiếng cười vui vẻ oà lên. Mọi người đã nhận ra anh Cao Xuân Toàn trong vai “cô gái bán hoa” . Đây là màn trá hình “ruột” nổi tiếng của anh mà anh ưa trình diễn trong các lửa trại sau này. 
Đọc thơ là tiết mục tiếp theo. Anh BXT. và một anh bạn đọc bài thơ của đêm nay. Thời gian qua đã lâu lắm rồi nên tôi không còn nhớ tên bài thơ, tên tác giả. Chỉ biết rằng bài thơ nói về những hy sinh thầm lặng và cao cả của một đơn vị bộ đội đi chiến đấu bảo vệ biên cương. “Anh T. nằm lại ở biên giới Việt-Lào, anh M. nằm ở X nơi đất trời không biên giới ! …”. Giọng đọc trầm trầm, run lên và như nghẹn lại vì cảm động ở những đoạn cao trào. Đêm dần khuya. Lửa trại vạc dần, trời se lạnh.
Chia tay về nghỉ trong lòng mọi người còn chưa hết những phút hào hứng quanh lửa trại. Nhưng trong tiềm thức hẳn không khỏi trạnh lòng nghĩ tới những người con anh hùng đất Việt đã hy sinh âm thầm trong khi làm nghĩa vụ cao cả bảo vệ quê hương.


TOURAINE

Năm nay Ban Phụ trách Việt kiều chọn vùng Touraine, thung lũng sông Loire để dựng trại hè. Là nơi có các con sông Indre, Loire và Cher chảy qua. Vùng này nổi tiếng thế giới với địa danh “các lâu đài vùng sông Loire”. Có thể nói không ngoa rằng vùng sông Loire là nơi “ra ngõ gặp lâu đài”. Ta thử xem như  khi đánh vần gọi điện thoại nhé. 

 A… như Amboise. Không! Thế thì Azay-le-Rideau vậy.
 B… như Blois. 
 C… như Chambord, hoặc như Chaumont, hay Chenonceaux nếu bạn thích.
 V… như Valençay, hay Villandry v…v.

Có lẽ không có đày đủ 36 mẫu tự để bạn lựa tên các lâu đài vùng sông Loire, nhưng các lâu đài kể cả to nhỏ chắc chắn nhiều hơn số ngón tay trên tay bạn.
Đa số các lâu đài này được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI. Nhưng cũng có những lâu đài có từ thế kỷ XI (Chaumont), hay muộn hơn thế kỷ XVI-XVII (Valençay). Dù xây dựng sớm hay muộn các lâu đài này đều được người các đời sau, và cả người đời nay, tu bổ thêm, bảo trì chu đáo để “lâu đài vùng sông Loire” luôn xứng danh là một thắng cảnh đáng tự hào của nước Pháp.
Đối với các bạn trong ngành kiến trúc hay hội hoạ thì buổi tham quan hôm nay thực là một bữa ăn thịnh soạn cho đôi mắt. Chúng ta được chiêm ngưỡng những công trình tiêu biểu của thời Phục hưng (mang ảnh hưởng Ý) ở dạng thuần tuý nhất soi bóng lộng lẫy trên các dòng Loire, Indre và Cher. Ý tưởng “cách mạng” trong xây dựng của tầng lớp quý tộc Pháp đầu thế kỷ XVI là đã biến những kiến trúc mang tính chất phòng thủ của những pháo đài thời Trung cổ thành nơi cư ngụ sang trọng cho các vua chúa Pháp. Như Charles VIII, Louis XII, François đệ nhất, các quý bà Catherine de Médicis, Diane de Poitiers và nhiều nhà quyền quý thế kỷ XVI-XVII đã từng sinh sống tại các lâu đài này.
Nếu có ai hỏi lâu đài nào đẹp nhất trong các lâu đài sông Loire thì thật khó trả lời vì mỗi cái một vẻ, mình lại là dân ngoại đạo. Riêng đối với tôi, tôi thực sự bị ấn tượng bởi Chambord và Chenonceaux.


Lâu đài Chambord



                        Lâu đài Chenonceaux có 5 nhịp
Chambord vì vẻ hoành tráng của lâu đài với mặt tiền dài 128m, có 440 phòng, 80 cầu thang, 365 ống khói và 500 ha rừng bao quanh. Leonard de Vinci đã được vua François đệ nhất yêu cầu xây cất lâu đài Chambord để chứng tỏ vẻ uy nghi của triều đại của mình mặc dù ông vua này không hề ở đó ngày nào. Còn Chenonceaux có đặc điểm là có dãy nhà cầu 5 nhịp bắc qua suốt chiều ngang sông Cher, và các tháp tròn nhọn đầu thế kỷ XVI.  
Trên xe bus rong ruổi tiếp tục chuyến tham quan mọi người râm ran bàn tán sôi nổi. Người thì trầm trồ về nội thất cùng những hiện vật tráng lệ, người lại tán thưởng các khu vườn hoa cắt tỉa công phu kiểu Pháp.
Trên đường về trại những con đường nắng ấm vàng xứ Touraine lồng lộng gió. Lòng người phơi phới. Người ta muốn hát lên để biểu lộ niềm vui. Người ta hỏi nhau hát bài gì ? Một giọng đề nghị “Tổng phản công”. Thế là vang lên “Nhân dân ta tiến lên tổng phản công. Mau nắm lấy thời cơ đang đợi ngày về…tiến lên đi cùng nhau diệt thù. Giết không thương, giặc kêu không tha…” Tiếp ngay sau là  “Tiến về Hà Nội” với “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón chào nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh…” Mọi người say sưa ca hát mường tượng như đã hoà mình trong đoàn quân chiến thắng ngày trở lại Thủ đô Hà Nội. Giọng ca còn rền vang cho mãi đến khi xe dừng bánh trong khu trại râm mát tỉnh Tours.
  
LOUVIERS
Năm nay trại hè Việt kiều chọn xứ Normandie Thượng. Trong trí tưởng tượng của tôi Normandie gắn liền với hình ảnh những con bò lang to lớn đang cúi mình gặm  cỏ mắt lờ đờ dõi theo một đoàn tàu hoả đang phun khói xa xa.
Louviers nơi chúng tôi hạ trại không có cái gì tương tự như vậy. Nó cũng giống như các khu “camp de la jeunesse” khác gồm nhiều căn nhà trệt sáng sủa tiện nghi, một khu đất rộng để có thể dựng lều vải, đốt lửa trại, sân bóng chuyền v…v.
Nay đã là năm 1954. Tại Việt Bắc quê nhà những tin chiến thắng liên tiếp từ mặt trận Điện Biên Phủ bay đến làm nức lòng người Việt xa xứ. Người ta tự nhiên thấy cần gặp mặt những người đồng bào của mình nhiều hơn. Gặp để trao đổi tin tức, để chia xẻ niềm vui, lòng tự hào được là người Việt Nam chiến thắng. Vì vậy các buổi họp mặt, các trại hè Việt kiều cũng đông vui hơn. Và điều đáng mừng là ngày càng nhiều gương mặt trẻ đến tham gia các hoạt động của Việt kiều. Tôi chỉ nhớ tên một số như LHPh. (cháu anh Khai, Vinh); anh Th. (em chị Hiếu ); NĐL., N., H. (em và cháu chị Ngô thị Mỹ Văn ), Lê Uỷ (người sẽ là trưởng ban Lễ tân của Đoàn Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris sau này) và còn nhiều anh em khác nữa. Đây là một lực lượng hậu bị đáng quý cho phong trào đấu tranh của Việt kiều yêu nước cho hiện tại và tương lai. Thực vậy có ai vào thời điểm đó lại nghĩ rằng cuộc kháng chiến dành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước Việt Nam lại còn kéo dài hơn 20 năm nữa !    

Trên sân bóng chuyền đang diễn ra các trận đấu quyết liệt tranh giải Vô địch Louviers 1954. Các đội mạnh như liên quân Bordeaux-Toulouse, Coulommiers-Chartres v…v đã không qua được vòng loại. 


Trận cầu nảy lửa giữa St-G.en Laye và St Sulpice (ảnh chỉ  có tính minh họa)

Vào chung kết năm nay là đội Saint Germain-en Laye gặp đội Saint Sulpice. Saint Germain-en-Laye (Trần Thế Thông,  ĐCTh., L. (Gấu), PTKh., L. (hàng Bông), có Nguyễn Chí Vĩnh “hột vịt” tăng cường), nhiều lần vô địch các năm trước,  là đội có những quả giao bóng và đập sát biên rất lợi hại. Saint Sulpice (Đặng Xuân Phong,Trương Ngọc hay Xuân Liễu, TNA., Trương Công Tín,Trương Công Vinh, Còn)  lại có thế mạnh với tay “chuyền hai” Phong để A. với những quả đập như cắm xuống sân hoặc bỏ nhỏ rất thông minh ăn điểm. Hai đội rượt đuổi từng điểm, từng ván đấu. Sân bóng luôn vang dậy tiếng hò reo cổ vũ của các supporter của hai đội. Cuối cùng do kinh nghiệm thi đấu nhiều hơn đội Saint Germain-en-Laye thắng sát nút 3-2 đoạt chức vô địch.

Đêm lửa trại năm nay có nhiều giọng ca mới. Bài “Lửa rừng đêm” do tốp ca nữ gồm các chị Tạ Ánh Hoa, Tạ Mỹ Phượng, Nguyễn Thị Hiệp (Hội), Nguyễn Thị Chỉnh,  Yến (?) em các chị Ánh Hoa , Mỹ Phượng trình bày có lời ca thật thích hợp cho một đêm lửa trại.  “Rừng muôn cây xanh cao, âm u ngàn thác lá, dưới bóng ánh trăng sao, ngồi xung quanh phiến đá ta khơi lửa đào. Bập bùng, bập bùng trong đêm thâu…”. Biết  đâu trong đêm nay ở một khu rừng nào đó trong chiến khu nước nhà các anh bộ đội ta cũng chả đang ca bài này sau khi công đồn thắng lợi trở về.
Tiếp theo còn nhiều bài hát đương thời được ưa thích tại Pháp được các “danh ca cây nhà lá vườn” biểu diễn với nhiệt tình sôi nổi. Trong đó phải kể đến sự thành công của các bài “La complainte des infidèles” do một bạn ở Marseille hát với giọng ca mượt mà và chuẩn không thua gì ca sỹ Mouloudji ; bài “Le train sifflera trois fois” với lời Việt của anh Trần Ngọc Kim một giọng ca mới nổi của Việt kiều và bài “Malaguena” do hai anh Nguyễn Vân Long (L. râu) và PVD. hợp ca, có những luyến láy đặc trưng rất lạ và dễ thương của dòng nhạc Tây Ban Nha-Nam Mỹ.

P.Mendes France
<== Danh nhân của Louviers
Người sẽ nhận chức Thủ tướng Pháp ngày 18 tháng 6 năm 1954. Gần một tháng sau ông sẽ thay mặt nước Cộng hoà Pháp ký bản Hiệp nghị Genève năm 1954 lập lại hoà bình ở Đông Dương.Trong bối cảnh chính trị năm 1954 tại Pháp Louviers còn có điểm khác đáng chú ý. Là một quận của Évreux, tỉnh lỵ tỉnh Eure, Louviers
 có ông thị trưởng đương thời là Pierre Mendès-France 
Vì những lý do đó trại hè Louviers cũng đáng có một chỗ đáng nhớ trong phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp lắm chứ ?!!.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét