GIÁ NHƯ THỜI GIAN NGỪNG LẠI…
Hoàng Anh
…
để con không phải thấy những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên gương
mặt của mẹ, để con không phải thấy mái tóc mẹ ngày một bạc màu.
“Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang,
ngày tôi xa mẹ càng gần…”,
câu hát khiến tôi luôn lạc giọng mỗi khi cất tiếng.
Thời gian, đó là thứ mà càng lớn tôi càng nhận ra nó thật vô tình
và nhẫn tâm. Càng lớn, tôi càng nhận ra giá trị của thời gian, nhất là những
khoảnh khắc tôi được sống trong gia đình mình, gần bên cha, bên mẹ. Những khi
ấy, tôi ước gì thời gian ngừng trôi để tôi mãi mãi được sống bên cạnh những
người mà mình yêu thương.
Mẹ tôi không phải là người phụ nữ đẹp, cũng không phải người phụ
nữ thành đạt, lại càng không phải người đàn bà sắc sảo, nhưng mẹ lại là người
phụ nữ mà tôi kính nể và trân trọng nhất. Ở mẹ luôn là hình ảnh một người phụ
nữ tần tảo, nhẫn nhịn, một người sẵn sàng hy sinh, chấp nhận tất cả vì
những đứa con của mình. Thế nhưng tôi, một đứa vốn vô tâm dường như không nhận
ra được những gì mẹ dành cho mình, chỉ đến khi…
Đó là những tháng ngày tôi ôn thi Đại học, thời điểm đó đang là
mùa gặt. Gia đình tôi vốn neo người, nhưng lại làm hơn một mẫu ruộng, do đó
công việc rất vất vả, nhất là khi nhà lại có một cậu em nhỏ cần phải chăm bẵm.
Thế nhưng có thể nói suốt cả vụ mùa đó tôi dường như chẳng biết đến mùa màng là
gì, chỉ quanh đi quẩn lại trong nhà học và học. Mẹ không cần tôi giúp đỡ, thậm
chí buổi trưa có bữa tôi mải học quên nấu cơm, mẹ đi làm về lại lụi hụi nấu
nướng mà không một lời trách mắng. Mẹ bảo chỉ cần tôi học tốt, thi tốt là đủ
rồi, không cần phải làm gì cả..
Đó là những ngày tháng tôi đi học xa, mẹ liên tục gọi điện hỏi
thăm tôi hôm nay có đi học không? Có ăn cơm chưa? Hôm nay ăn gì?.. làm tôi
chẳng có một chút cảm giác nào là mình đang xa nhà, thậm chí có đôi khi còn cáu
bẳn vì sự quan tâm quá mức của mẹ…
Đó là khi sự cáu bẳn với sự quan tâm quá mức của mẹ trong tôi bộc
phát, và tôi đã không làm chủ được mình mà nói ra những lời không mấy dễ
nghe. Tôi không biết đây là lần thứ mấy mình đã khiến mẹ buồn. Thực sự khi nói
xong những lời đó, tôi vô cùng ân hận và giận bản thân ghê gớm lắm, nhưng lại
không đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Chưa bao giờ tôi lại có cảm giác lương tâm cắn
rứt như thế. Mẹ đã giận. Mẹ nói với tôi: “Vậy từ giờ trở đi mẹ sẽ không bao giờ
gọi điện cho mày nữa, cần gì thì tự gọi về nhà!” và im lặng suốt cả buổi chiều.
Tôi đã vô cùng sợ hãi, vô cùng lo lắng, nhưng thật may mắn là buổi tối hôm đó
khi đang nấu nướng, thấy tôi lén ăn vụng khoanh bánh chưng, mẹ đã phì cười như
chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tôi đã nói rồi mà, người mẹ ấy bao dung lắm…
Càng ngày tôi càng nhận ra sự hiện diện của thời gian trên gương
mặt mẹ ngày một rõ rệt. Chưa bao giờ tôi lại nhìn thấy được sự thay đổi của một
người theo thời gian lại rõ nét như thế. Những vết chân chim, những sợi tóc
bạc, những nếp nhăn, những sắc tố sạm da… nó đang phá hủy nhan sắc của mẹ, quá
mạnh mẽ và tàn nhẫn.
Không ít lần tôi nói với mẹ: “Làm ít ruộng thôi cho đỡ vất vả mẹ
ạ, con tiêu pha tiết kiệm được mà”, nhưng mẹ tôi gạt phắt đi: “Làm ít lấy gì
nuôi chúng mày. Bay cứ ăn ngon đi, làm sao phải khổ? Mẹ còn khỏe, còn làm được
nuôi mày mà!”. Nhưng tôi biết lời nói của mẹ là nói dối. Mẹ khỏe sao? Mẹ “khỏe”
đến nỗi hàng đêm phải ngồi dậy lấy rượu nặn tay chân sao? Mẹ “khỏe” đến nỗi
nhiều sáng thức dậy phải nằm một lúc vì quá đau lưng sao? Tại sao mẹ cứ nói dối
con hoài vậy? Con đâu còn là đứa con nít lên một lên hai đâu mà mẹ nghĩ con tin những
lời nói đó?...
Từng có một câu hỏi trên mạng xã hội rằng: “Nếu phải đánh đổi 5
năm tuổi đời của mình, thì bạn sẽ đổi lấy điều gì?”, lúc đó, vụt qua trong tâm
trí tôi là hình ảnh mẹ trở về nhà buổi tối sau vụ mùa, với những chiếc áo
ướt đẫm mồ môi và vấy đầy bùn đất. Và cho đến bây giờ, điều mà tôi mong muốn
đánh đổi tuổi thọ của mình, đó là cầu cho mẹ tôi luôn được khỏe mạnh và
bình an. Nếu được điều đó, tôi tình nguyện đánh đổi cho dù 5 năm, 10 năm,
hay 15 năm đi nữa. “Với con, chỉ cần thấy mẹ hạnh phúc mạnh khỏe là quá đủ
rồi!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét