Đội bóng Olympique
haiphonnais và trận giao hữu Việt Pháp
năm 1946
Tư liệu mới phát hiện của nhà báo Đặng Vương Hưng về trận
đấu lịch sử Việt - Pháp năm 1946 do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi
xướng...
Ngày
20/10/1946, vừa bước chân xuống cảng Hải Phòng sau khi kết thúc chuyến đi dài
gần 5 tháng sang thăm Pháp, Bác Hồ đã chỉ thị tổ chức một trận đấu bóng đá giao
hữu đặc biệt giữa Tuyển Hải Phòng và các thuỷ thủ trên chiến hạm Dumond
D'Urville - con tàu của Hải quân Pháp đưa đoàn đại biểu của Nhà nước ta từ Pháp
về Việt Nam. Điều kỳ diệu là người thủ quân của đội Tuyển Hải Phòng 60 năm
trước hiện nay vẫn còn sống. Dù tuổi đã cao, sức yếu, nhưng trí nhớ của ông vẫn
rất tốt. Và chi tiết về trận đấu bóng đá lịch sử ấy lần đầu tiên được tiết
lộ...
Nhân chứng lịch sử và lai lịch một đội bóng (Olympique
haiphonnais)
Tại phố Lương
Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng có một ngôi nhà nhỏ mang số
135, khiêm tốn nằm lẫn trong cả dãy cửa hàng cho thuê bán quần áo. Rất ít người
biết được chủ ngôi nhà ấy, một ông già gày gò đã hơn 90 tuổi, lại là một nhân
chứng lịch sử của một trận đấu bóng đá quốc tế có một không hai, cách đây tròn
60 năm !
Ông là Nguyễn
Lan, sinh năm 1916, từng là một võ sĩ quyền Anh và danh thủ bóng đá Hải Phòng
thập niên 40 của thế kỷ trước.
Theo ông Nguyễn
Lan kể lại, thì từ khoảng năm 1936, ở khu vực Phố Ga (phố Lương Khánh Thiện
ngày nay) ở Hải Phòng đã có một đội bóng do một thương nhân người Pháp tên là
Louis Godelu lập nên. Ông Tây này người lùn, bụng phệ, nói tiếng Việt như người
Việt, rất mê tổ tôm, có chân trong Hội đồng thành phố. Godelu cũng chính là
người đã sáng lập ra Hội Thể thao đầu tiên ở Bắc Kỳ.
Cùng thời gian
trên, một người Việt đã vào làng Tây tên là Jean Sen đứng ra chiêu mộ một số
người chơi bóng giỏi, ra Quảng Ninh đá cho mấy đội chân giày ở Cẩm Phả. Nguyễn
Lan nằm trong số đó.
Năm 1938, sau
khi đội bóng nổi tiếng đất Cảng là “Đoàn Voi Vàng” tan rã, Hội bóng Phố Ga lấy
tên chính thức là Olympique, có khoảng 20 người cả Tây và ta cùng tham gia. Hầu
hết cầu thủ của đội đều là dân lao động, thợ thuyền, vì ham mê thể thao mà tụ
họp nhau lại, đá bóng không lương.
Chỉ những ngày
thi đấu họ mới tập trung và được Hội trưởng cho ăn uống no nê, được phát cả
quần áo đồng phục. Đá xong mỗi trận thì ai lại về nhà nấy lo công việc làm ăn
của mình.
Nguyễn Lan và
một số cầu thủ đá hay từ Cẩm Phả nhiều lần được ông Godelu mời về đá thuê cho
Olympique Hải Phòng với thù lao 5 đồng mỗi trận (không tính tiền thưởng thêm và
vé tàu thuỷ). Theo ông Lan thì đó là một số tiền rất lớn hồi đó, đủ để nuôi
sống một người bình dân trong cả tháng.
Do chính sách
đãi ngộ tốt, nên về sau nhiều cầu thủ giỏi từ Hà Nội và Quảng Ninh đã tìm về
đầu quân cho Olympique Hải Phòng. Nhờ thế, đội bóng này nhanh chóng vươn lên
thành một trong những đội mạnh nhất Bắc Kỳ hồi đó, được báo giới mệnh danh là
“Con phượng hoàng đất Cảng”.
Olympique luôn
chơi bằng đội hình chiến thuật tân tiến WM, với 3 tiền đạo, 2 hộ công, 2 tiền
vệ và 3 hậu vệ:
Thanh
Bình “biềng” – Sáu “mốc” – Beye
Lan – Thái
Thọ A – Hối
Koóng – Thông – Viễn
(do thời cuộc sau này Thông, Hối, Viễn (có
biệt danh A Jin khi du đấu tại Hongkong)
vào Nam đá cho các đội AJS, Tổng hành dinh, Ngôi sao Gia Định. Hối là
một danh thủ thời đó sau này phải giải nghệ sau một pha va chạm gãy xương ống quyển
nặng. Beye là cầu thủ tây da màu là lính thuộc binh đoàn pháo thủ thuộc địa 5 hay 9èRIC)
Với đội hình
tiêu biểu trên, nhiều đội bóng đến từ Hà Nội, Nam Định, Phủ Lý, Hải Dương...
đều bị “Con Phượng hoàng đất Cảng” đánh bại. Trong đội hình trên, nổi lên hai
cầu Nguyễn Thông - Nguyễn Viễn. Họ là cặp bài trùng đe đọa mọi khung thành đối
phương. Trình độ kỹ thuật và tài nghệ của họ được báo giới hồi đó ca ngợi chẳng
kém gì “Túc cầu vương” Lý Huệ Đường của (Nam
Hoa) Hồng Kông.
Đội “Con Phượng
hoàng đất Cảng” thường tập và thi đấu ở sân Jeunot (sân Thanh niên). Vì sân
bóng này do nhà thờ quản lý, nên người ta còn gọi là sân Cố đạo, nhưng nhiều
dân Hải Phòng thì vẫn quen gọi nó là sân PhốGa (nằm cạnh ga tàu hỏa).
Nhờ có nhiều
danh thủ, nên những trận đấu trên sân Phố Ga, dân chúng thường mua vé vào xem chật
kín. Mà dân Hải Phòng lại mê bóng đá đến kỳ lạ. Cứ nghe tin có trận đấu hay là
nhiều người bỏ cả công việc, quên ăn quên uống rủ nhau đi xem. Thời đó, ngoài
Hà Nội, thì Hải Phòng là một trung tâm bóng đá lớn nhất Bắc Kỳ.
Bác Hồ chỉ thị tổ chức một đội bóng đá
Trước Cách mạng
Tháng Tám (1945), một số cầu thủ trụ cột của Olympique bị ép sang đá cho đội
Police Sport Hải Phòng. Từ đó, “Con Phượng hoàng đất Cảng” tự rời bỏ “đỉnh núi
vinh quang” của mình.
Sau khi đội
bóng giải tán, các cầu thủ tản mát mỗi người một nơi. Thỉnh thoảng nhớ nghề họ
mới tụ tập nhau lại để đá bóng. Nhiều người hăng hái tham gia hoạt động cho
cách mạng, trong đó có Nguyễn Lan. (Ông từng là Tổ trưởng của “Tổ hành động”
thuộc “Đội Phòng mật” Hải Phòng, chuyên làm nhiệm vụ diệt ác trừ gian).
Cuối năm 1946,
trước ngày toàn quốc kháng chiến, tình hình ở Hải Phòng rất căng thẳng trước sự
khiêu khích trắng trợn của quân Pháp. Các lực lượng phản động lợi dụng tình
hình này đã tăng cường các vụ bắt cóc, ám sát và giết người… khiến cho Chính
quyền Cách mạng non trẻ và các lực lượng công an, tự vệ của ta phải đối phó hết
sức vất vả.
Chính trong
không khí căng thẳng và sục sôi như vậy, nhân dân Hải Phòng phấn khởi được tin:
Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ ta sau hơn 4 tháng sang Pháp đàm
phán, đang trở về bằng đường biển.
Một chiến hạm
của Pháp chở phái đoàn Chính phủ ta, sau khi rời Toulon lênh đênh trên biển một
tháng trời đã cập cảng Cam Ranh, để Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt viên Cao uỷ
Pháp tại Đông Dương là Đô đốc D'Argenllieu trên chiến hạm Suffren của hải quân
Pháp vào ngày 18/10 bàn về việc thi hành Tạm ước 14/9, sẽ ra Bắc và cập cảng
Hải Phòng chiều ngày 20/10/1946.
Đó là một ngày
tiết trời miền Bắc se lạnh vì có gió mùa. Bước xuống từ trên chiến hạm, Bác Hồ
đã có một cuộc nói chuyện ngắn gọn với cán bộ và nhân dân Hải Phòng tại Trường
cán bộ nữ thanh niên ở Đền Nghè.
Nhiều năm sau
này, những người dân thành phố cảng vẫn còn rất nhớ hình ảnh vị Chủ tịch nước
mặc bộ đồ kaki giản dị, với khuôn mặt gày gò, để râu đen, dáng đi nhanh nhẹn và
đôi mắt rất sáng.
Bác Hồ thông
báo ngắn gọn kết quả cuộc hội đàm giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với
Chính phủ Cộng hòa Pháp. Người cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc ký kết Tạm ước
14/9; yêu cầu cán bộ và nhân dân Hải Phòng phải bình tĩnh, sáng suốt đối phó
với âm mưu của kẻ địch và kiên quyết không được manh động.
Kết thúc buổi
nói chuyện, Bác Hồ bất ngờ tuyên bố: Ngày mai, mời đồng bào tới sân Phố Ga xem
bóng đá. Chúng ta sẽ tổ chức một trận đá bóng với các thủy thủ trên chiếm hạm
Dumond D'Urville của Pháp, để tỏ rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam !
Và người có
vinh dự được tổ chức giao cho nhiệm vụ làm Đội trưởng của Đội tuyển bóng đá Hải
Phòng thi đấu với Đội tuyển của các thủy thủ Pháp ngày đó chính là ông Nguyễn
Lan, người được yêu cầu thành lập gấp
một đội bóng để thi đấu trong ngày mai.
Trận đấu bóng lịch sử đã diễn ra như thế nào?
Trận đấu diễn
ra hết sức hào hứng. Phía đội tuyển thủy thủ Pháp có cả Tây trắng và Tây đen,
người nào cũng cao to lừng lững, ăn mặc đồng phục rất đẹp. Phía đội tuyển Hải
Phòng cầu thủ thấp bé, nhưng nhanh nhẹn và kỹ thuật điêu luyện hơn, ra quân với
màu áo vàng truyền thống của “Con Phượng hoàng đất Cảng”. Cổ động viên hai bên
thi nhau hò hét, họ mang cả kèn đồng thổi toe toe, trống thúc tùng tùng liên
hồi.
Tuyển Hải Phòng
chơi tốt hơn, luôn lấn át và ép sân đối phương, khiến cho tuyển của đội thủy
thủ Pháp chống đỡ khá vất vả. Tỷ số 1-0 nghiêng về đội tuyển Hải Phòng là kết
quả của hiệp 1.
Nhưng phút nghỉ
giải lao giữa hai hiệp, Ban tổ chức đã kịp thời chỉ đạo: Không được thắng tiếp
nữa, phải giữ hòa khí, tránh gây căng thẳng cho các cầu thủ phía thuỷ thủ của
Pháp. Trong hiệp 2, nếu ta để “thả” cho phía đội của Pháp gỡ lại được tỷ số hòa
1-1 là đẹp nhất!
Và kết quả cuối
cùng của trận đấu lịch sử đó là tỷ số hoà 1-1.
.
Mới đó mà 60
năm đã trôi qua, những cầu thủ trong Đội tuyển Hải Phòng tham gia trận đấu bóng
ngày ấy hầu hết đã không còn nữa. Sân bóng Phố Ga ở Hải Phòng nay cũng không
còn, thay thế vào chỗ của nó là một cái chợ nhỏ. Nhưng sự kiện trên xứng đáng
được ghi danh vào lịch sử thể thao ngoại giao nước nhà, như một niềm tự hào bởi
những chiến sĩ đá bóng dũng cảm vì hoà bình.
Nguồn: ThethaoVietnamnet
00:00 25/11/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét