Sáng nay, thức dậy lúc sao mai chênh
xế nóc nhà, ông giáo già lụi cụi nấu nước sôi, chế trà rồi độc ẩm, thưởng trà
cùng với sương sớm. Ông ngồi xếp bằng thế hoa sen, thẳng lưng, nâng chung trà
cả hai tay, xoay xoay rồi nhắp từng ngụm nhỏ.
Chậm rãi, cẩn trọng... ông uống
trà, đồng thời, ông uống luôn cái vị, cái khí, cái không gian thanh bình,
tĩnh lặng của miền quê cố đô yên ả... Mùa đông mà trời lạnh nhẹ, khá khô ráo,
cũng lạ. Thời tiết đất Thần kinh mấy năm nay thay đổi khá thú vị; cái mưa dầm
thối đất, sụt sùi, sũng nước, không biết nó đã di trú nơi nào, hay đã theo
chân mù phương những người xa Huế? Cũng nhớ...
Ông đã qua bình trà thứ hai. Cái
trà “Phổ nhĩ” Vân Nam này, vị không đậm mà ngọt hậu. Cũng rứa thôi, cũng như
Thiết quan âm, Ô long, chẳng ngon gì! Ông đã quen với trà tuyết, lại thích
chè xanh cây nhà lá vườn hơn. Vị nể ông bạn lai Tàu nên mua uống thử. Trà nào
mà không thanh nhiệt, lợi tiểu, sáng mắt...! Bày đặt quảng cáo, sinh ra dị
ứng tất thảy! Nhưng khóm mặc lan được mang về từ đó - học trò ông biếu
tặng hoa đang nẩy chồi, là một giống lạ; nó không có hai đường chỉ trắng trên
mép lá trông khác với mặc lan cổ xưa Huế, có lẽ ta nên để dành để dâng
thầy thưởng xuân... Ông cúi đầu xuống, lòng rưng rưng...
Trời ửng sáng. Ông bước ra hiên.
Không gian đùng đục. Sương mù lất vất, mơ hồ. Ông đưa mắt nhìn những chậu địa
lan ngồi an bình, lưu niên trên dãy giả đôn đầu voi trắng: Bạch ngọc, đại
kiều, tiểu kiều, mặc lan... lá xanh ngời như có thể soi mặt được. Ông gật gù,
mỉm cười. Đấy là thành quả từ công phu vuốt lá, ngày này sang ngày khác của
ông và con trai. Cái hơi người - nhân điện - và tình cảm của người trồng
chính là yếu tố quan trọng nhất. Thời này, chẳng còn ai chăm chút tỉ mỉ như
vậy. Người ta không có thì giờ, kể cả không có thì giờ để thở! Tội nghiệp!
Ông vui thầm trong bụng, ta tỉ mỉ chăm chút để bảo tồn vốn cổ, là cái mỹ
học của cha ông đó chứ! Ai mà biết, phải không?
Ông nhớ, ông đã học được kỹ thuật
trồng địa lan của một cụ Nghè. Địa lan của cụ ấy trồng nổi tiếng một thời,
đến đỗi cậu Cẩn cũng phải ghen tỵ. Nhìn những chậu địa lan ngời ngời xanh
mướt, láng lẩy, chồi hoa tuy gầy nhưng ẩn chứa một sinh lực khỏe khoắn, ông
tò mò hỏi tưới phân chi? Cụ Nghè cười cười trong ánh mắt lấp lánh, rồi hỏi
ngược lại, chú giáo, chú tưởng địa lan phàm phu tục tử lắm hay sao
mà phải ăn phân này, phân nọ? Ông mở tròn mắt. Cụ Nghè ha hả cười, nắm
tay ông kéo lên hiên, vào ngôi từ đường hương khói thời gian, sai bày bàn
trà... Trong không gian cổ kính; mùi trầm, mùi văn chương thi phú, mùi của
cốt cách tao nhã; mùi của nếp sống thư hương, kẻ sĩ... một lần ấy thôi; mà nó
đã ngấm đẫm tâm hồn ông cả nửa cuộc đời còn lại. Phân chi ư? Cái đó là bí
truyền, phải giấu kín. Hằng ngày, nó ăn và uống nước trong vắt, có than
hoạt tính khử phèn. Tôi quý địa lan ở phong cách đó. Nó cho hương sắc, nhưng
mà rất khiêm nhường. Sắc nó màu âm, màu lạnh; không phô trương, ồn ào như lan
ngoại. Lại càng không rực rỡ, trình diễn ngoại hình thời trang như hoa hồng.
Nó rất lặng lẽ, khiêm cung, từ tốn... Hương thì sâu, kín - đúng như chữ u
hương trong Đường thi! Tôi không trồng hoa mà tôi trồng một bài thơ Đường!
Nói xong, cụ Nghè cười sảng khoái! Suốt đời ông, có lẽ ông không bao giờ quên
được nụ cười kỳ lạ của cụ Nghè. Một đời bình-sinh-thanh-cao-cốt-cách, nếu có
được một nụ cười phiêu-diêu-khoát-hoạt; cùng lắm, cũng chỉ bằng nụ cười
hôm ấy mà thôi! Thế còn địa lan Đà Lạt? Một hôm khác, ông hỏi. Cụ Nghè
cất giọng xẵng, địa lan Đà Lạt! Không phải, cái đó là thổ lan, gọi địa lan
là phỉ báng địa lan! Cái thổ lan ấy là cái giống Tây, bậm bạp, cao to, chắc
khoẻ, uống ăn dung tục; rồi cứ nhón gót mà nở, cứ vỗ ngực mà nở... ồn ào, hỗn
láo như một cậu thanh niên hippy hoa hòe hoa sói! Làm sao sánh được với cốt
cách văn vật cao nhã cố đô!
...Những ngày nắng to, ông ra sau
hè, đánh trần, xắn quần xuống ao vớt bùn non - chỉ là bùn non thôi chuyển lên
phơi trên một đám đất cao ráo. Nếu thiếu, ông đặt mua các ao đầm chỗ này, chỗ
kia. Đứa con trưởng - lúc ấy đang là giáo sư chủ nhiệm phân khoa dân tộc học
- trong giờ rảnh rỗi, thấy vậy ra tay phụ giúp với ông. Nó hỏi, cha làm
chi mà vất vả rứa, sao không thuê người làm? Ông cười ruồi, tao đang
thật sự nghỉ ngơi ấy chứ! Sự nghỉ ngơi của một con ngựa già, đã mỏi mệt sau
những cuộc đua đường trường, một đời, lao nhọc! Đứa con dòng máu đại
khoa, gene trí thức, nó kính trọng vị cha già có một vài phút giây tự mãn dễ
thương; nó gật đầu mỉm cười, hỏi tiếp - thế cha sẽ dùng bùn này vào việc
gì? Bí mật, ông đáp, tao trân trọng lời hứa thiêng liêng với một linh
hồn cũ xưa (cụ Nghè đã mất); nó đẹp như câu chữ của Đường thi, con
không hiểu đâu! Quả thật, con ông không thể hiểu được! Thời đại này chúng
không thể nào hiểu được cái tầng văn hóa ẩn mật trong cục đất, cục bùn,
cục tâm nơi những chậu hoa địa lan; mà ở đó, chúng chan chứa cái đẹp của
nhân văn, cái mỹ diệu của nghệ thuật sống; cái ân nghĩa vô lượng với cuộc
đời, với thiên nhiên ngoại vật!
...Đất bùn non gom lại, phơi khô
đúng một năm nắng, ông lại lụi cụi đập nhỏ, sàn, rây cho mịn... Ông con trí
thức lại hỏi, cha làm gì thế này, nghỉ tay một chút, vào góp ý giúp con về
cái đề cương mà con đã phác thảo về bảo tồn vốn cổ của dân tộc... Ông
ngước đầu lên, lấp lánh niềm vui trong ánh mắt, ừ, tốt, con đã không phụ
lòng kỳ vọng của tiên tổ. Tốt, tốt... Rồi ông lại cúi xuống, đập, sàn,
rây... Ông nói, tao cũng đang bảo tồn vốn cổ của dân tộc đấy chứ! Tao đang
cặm cụi với hồn đất, hồn văn đó thôi! Ông nhướng mắt lên, cái kiếng trệ
xuống, những công trình hiện vật cổ xưa, tìm, điều nghiên thì sẽ còn, kể
cả các giá trị phi vật chất; nhưng bí quyết trồng một bài thơ Đường
thì sẽ thất truyền, xót xa lắm, con ơi! Ông con nói, cha lại nhạo con
rồi! Thế cha không góp ý giúp con à? Ông cất tiếng như giảng bài, nhưng
giọng trầm ấm, xúc động, con là thanh niên thuộc thời đại mới - thời của
Internet - mà chân bước đi không hỏng đất, mắt không đắm cái hào nhoáng, óc
không lây uế những giá trị ảo, trí không nhiễm thói kiêu căng, hãnh tiến; sở
học đã không coi thường vốn cổ của cha ông, mà còn có những công trình tầm cỡ
để gìn giữ, bảo tồn nữa. Tốt, rất tốt! Người con có vẻ phân trần, giải
thích- công trình của con nó rất quan trọng, sẽ được đọc trong cuộc hội
nghị khoa học toàn Châu Á, do Unesco tổ chức - người con nói tiếp,
giọng buồn, ở Huế này chỉ có cha mới có thể đọc, hiểu và góp ý ở những chỗ
bất cập... còn, thưa cha, con biết tìm ai nữa đâu! Ông tháo mắt kiếng,
lấy vạt áo màu nâu bạc chùi bụi, con nói thế, biết bao nhiêu là giáo sư
tiến sĩ thời đại mới; cha dẫu có chút học hàm, học vị nhưng già rồi, kiến
thức thì quê mùa, lạc hậu rồi! Người con nói, giáo sư, tiến sĩ thời
này ấy à - xì một tiếng, cười lạt - còn tệ hơn tiến sĩ giấy, tiến sĩ
bù nhìn thời Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…! Con ông chợt cất giọng bùi
ngùi, con không có bạn, thưa cha! Thầy, cũng vậy, con chỉ có cha thôi,
ngoài ra, chẳng có ông thầy nào là xứng đáng cả! Ông bất đồ đứng thẳng
lưng dậy, quăng dụng cụ, giận dữ - Không thầy à? Không ai xứng đáng à?
Không thầy đố mầy làm nên. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Con mà còn nuôi dưỡng
ý tưởng kiêu mạn ấy thì sẽ làm ô nhiễm tâm hồn, ô nhiễm các giá trị thiêng
liêng, con có biết không?
Ông con, giáo sư, hôm ấy, biết
mình lỡ lời, sợ hãi, khép nép, im thin thít. Từ nhỏ, ông giáo huấn con rất
nghiêm khắc; ông sử dụng rất ít kiến thức sách vở, không thích dùng lý luận
biện chứng sáo mòn; mà chỉ nói chừng mực, vừa phải - cốt gợi ý về đời sống cụ
thể, giữ gìn tác phong, nhân cách và tâm thái văn hóa trong giao tiếp, ứng
xử, công việc... Sớm nào ông cũng cùng con nấu nước sôi, chế trà, pha trà...
Cả hai tập chờ đợi, tập để tâm rỗng rang, tĩnh lặng; thưởng thức không gian
và môi trường sống với thiên nhiên hoa cỏ ở xung quanh. Ông trao đổi với con,
nói về bản lãnh của kẻ sĩ là phải thể hiện cho bằng được đời sống tinh thần
không bị nhiễm ô, đừng bị vấy bẩn bởi khói, bụi và các loại chất độc vi tế...
Nghệ thuật sống là phải biết quán niệm, lắng nghe và tự chủ ngay từ hơi thở
đầu tiên trong ngày... Và cũng từ tách trà sớm tinh sương ấy, nó sẽ duy trì
sinh lực để vô hiệu hoá những tư tưởng hèn yếu, bạc nhược - mà chúng thường
lý luận rất hay ho để thỏa hiệp với những cái dung tục của đời thường... Ông
đã mãn nguyện khi đã định hướng cho con ông đi theo con đường bảo vệ những
giá trị truyền thống... Bây giờ, con ông bảo là không có ai xứng đáng là
thầy! Nó không phải sai. Nó có cái lý của nó. Hoặc do nó buồn về tình trạng tha
hóa, tụt dốc phẩm chất, khuyết tật kiến thức của quá nhiều giáo sư, phó giáo
sư, tiến sĩ... thời nay! Nhưng không nên phủi tay tuốt tuồn tuột như thế!
Vong ân bội nghĩa quá! Thế hệ ông khác, một chữ cũng là thầy. Nó đâu có
biết rằng... thế gian này có biết bao nhiêu là ông thầy!
... Bùn rây xong, ông nhờ mấy o
mấy mệ hàng xóm xin nước luộc nghêu, ốc, hến rồi hì hục bóp, nhồi, nhồi cho
thật nhuyễn; trộn thêm với than hoa cỡ hạt đậu, hạt bắp. Xong, dùng bay, ông
trải đất ra trên tấm ni-lông, san bằng, chà láng, dày chừng năm phân; lại
dùng bay, dùng thước cắt ngang, xén dọc từng tấm hình vuông đều đặn tương tợ
mặt bằng với từng ô ươm thuốc lá... Con ông lại hỏi, cha làm gì nữa đó?
Giờ thì không bí mật nữa, cha chuẩn bị chất trồng đó con! Đợi đất khô, xắn
ra từng tấm, từng tấm đặt vào lò nung, nung thủ công, nung sao đừng chín quá
như gạch vồ, cũng đừng non quá, dễ vỡ! Địa lan được trồng với chất trồng này,
quanh năm chỉ cần tưới nước sạch, nó sẽ phát triển xanh tốt, không cần một
loại phân nào khác... Công phu quá, ông con giáo sư nói, phải cần có
niềm vui, tâm tĩnh lặng, không còn vướng bận chuyện đời mới làm được. Ừ, con
nói đúng! Là cái thú điền viên của người xưa đó con! Người con nói,
hóa ra địa lan thích phân ngầm, như dồn tụ phẩm chất vào bên trong, thấm đẫm
trong đất; rồi nó ăn một lần thôi! Ừ, ông khen, con nói hoàn toàn chính xác,
dồn tụ phẩm chất vào bên trong, hay lắm; rồi ăn một lần thôi, hay lắm, ăn
nhiều quá, dung tục quá thì còn gì là “an bần lạc đạo”nữa! Người con
hiểu, gật gù, lẩm bẩm, ông già lúc nào cũng triết lý, không độc
nhưng cay và sâu... thì ta cũng phải nói năng cho có trọng, có lượng một tí
chứ!
Mặc lan Vân Nam lá dài, dày, to...
chắc hẳn chồi hoa sẽ đậm đạp, mập
ú, vươn cao. Nó có cái đẹp riêng của nó. Cái đẹp của một đế quốc đầy bản
ngã, đầy kiêu căng, đầy tự hào nền văn hóa dày sâu nhiều ngàn năm của mình -
nên cái gì cũng to, cũng lớn, cũng vĩ đại... cái gì cũng đại, họ quý chữ
đại...! Ngược lại, ở ta, ở cái xứ đầu cứng mà bụng lép này, cái gì cũng bé,
cũng nhỏ; mặc lan cổ xưa Huế bé nhỏ, xinh xắn, trông thanh nhã hơn nhiều. Lại
còn thơm đậm, bền... Nói cho rôm rang chữ nghĩa một chút: nó bàng bạc,
khinh diêu và du viễn, tuyệt! Mặc lan Vân Nam thô tháo, phàm tục quá, ta
sẽ tặng thầy khóm mặc lan sáu chồi quý nhất, cốt cách nhất đất thần kinh này!
Cứ quyết định vậy đi...
... Này con, hôm kia, ông nói, lúc
cụ Nghè mất, bao nhiêu chậu địa lan quý nhất, ông sai con cháu mang biếu tặng
các ngôi chùa và các bậc cao tăng mà ông quý trọng... Cái thanh khiết phải
tặng cho người thanh khiết... Tâm nào cảnh nấy... chắc con hiểu chứ?
Ông con hiểu quá mà, nên khóm mặc
lan, công phu và tâm huyết của cha... Ừ, ông nói, giọng bùi ngùi...
Cái gì quý mới cúng, mới thờ... Con ông lại một lần nữa không hiểu ẩn ý
đằng sau câu chữ...
Lúc sương đã nhẹ hều trên cây lá,
đã thoáng rạng giữa mây trời; ông đã chuẩn bị mọi thứ đâu đó xong xuôi. Hôm
nay, lao chao giữa sương mù, có một vài mảng nắng ấm; ông đội mũ, chống gậy,
mang giày thể thao, khóm mặc lan trong xách tay, lên đường. Ông con, giáo sư,
thấy vậy hỏi, cha đi đâu, xa lắm à? Chừng mươi cây số đường núi, cũng gần
thôi, ông đáp, chiều tối hoặc sáng mai, ta sẽ về! Hay là con đi cùng
cha cho vui, ông con nói, con cũng muốn vận động thể thao một
chút! Cũng được, con sẽ có dịp thấy tận mắt một loại lan khác; lan này, đặc
biệt, có cái hương sắc dịu dàng và tĩnh lặng vô cùng! Lại khó hiểu! Ông già
muốn triết lý gì nữa đây! Người con nghĩ thầm.
Thế rồi, cả hai người bắt đầu rời
xa xóm làng, men theo chân núi, đi mãi, nhà cửa thưa thớt dần... Ông bước
từng bước dài. Ông con đã hụt hơi. Cha khoẻ thiệt! Ông cười hề hề, ta có
khí công và thiền định, con bì sao được. Tuổi trẻ của các con không biết mượn
khí của trời đất, cũng không biết sử dụng năng lực của tâm. Yếu đuối và bạc
nhược là căn bệnh của thời đại... Văn minh vật chất cùng các tiện nghi của nó
là giúp cho con người ngày càng làm biếng, lười suy nghĩ, khô cứng cảm xúc
đi... thiệt là tệ hại!
Người con thấy cha chỉ nói đúng
hơn một nửa, nhưng không dám nói xen vào. Đi thêm một đoạn, đến cạnh một rừng
tre, ông bảo nghỉ để ông con dưỡng cặp cẳng thư sinh. Một lát, ông nói, cũng
có cái đức của nó. Nếu biết nhìn, lắng nghe, chiêm nghiệm... thì dẫu có học
một đời cũng không hết đó con! Vâng, thưa cha, con hiểu! Ừ, tốt, vậy con thử
nói đi? Dạ, nhìn núi, ta học được sự an nhiên và vững chãi. Nhìn nước, ta học
được sự nhu nhuyến, mềm dẻo, hoàn cảnh nào cũng trôi chảy, linh động, thích
nghi được... Ông cười vui - Đúng vậy! Người con nói tiếp, cố ý phê
bình thử - điều cha nói, lần này cũng là tư tưởng cũ, chẳng mới mẻ gì! Ông
giáo già không giận, nói, tưởng là thế mà không phải thế đâu con, cái biết
của con là cái biết thuần tuý kiến thức... Xin cha nói rõ hơn. Này nhé, ông
nói, học an nhiên, vững chãi, mà con đã từng tu tập cho được an nhiên,
vững chãi chưa? Người con ngớ ra! Kiến thức suông, chưa đủ, mà cần
phải tu tập, cần phải hành trì; tri phải có hành, con biết chứ! Rất lâu,
người con dè dặt nói, có lẽ con cũng hành được. Ừ, biết vậy là tốt, mà
cũng không đơn giản đâu con. Bây giờ, nhìn khóm tre kia, con học được gì?
Thưa cha, trúc ruột rỗng, tiết thẳng... Dẫu hoàn cảnh nào, kẻ
sĩ trong đời cũng phải giữ gìn tiết tháo ngay thẳng, không cúi luồng, không
xu phụ, không nịnh bợ trước bất kỳ một uy lực nào... Đúng, đúng, ông gật,
còn ruột rỗng. Dạ, tâm không, ruột rỗng là bao dung, rộng lượng, buông xả,
không chấp trước điều gì... Ông con chợt ngẫu hứng đọc vài câu cổ thi - phong
lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh... Ừ, con đọc sách
nhiều, dẫn chứng đâu đó thông thạo cả... lại còn căn bản Hán Nôm, thi phú
nữa; nhưng mà này con, ông nói, nhà sư có trồng một bụi trúc, sáng nào
ông cũng uống trà nơi cái chòi lá cạnh bụi trúc... Thế mà, có một lần, ông
nói với ta, hơn ba mươi năm học cái đức của trúc, đến gần cuối đời, nhìn trúc
ông mới không hổ thẹn... Hơn ba mươi năm, con nhớ đấy! Người con thấy
mình lấm tấm đổ mồ hôi hột, sợ hãi... cái hành này thì quả thật, chàng phải
tu tập cả đời!
Núi tiếp núi, chập chùng. Bò bình
yên gặm cỏ. Người lác đác gánh củi. Họ lội qua những khe nước đầy, đá rêu
trơn... Chốn này ít người qua lại, người con nói, cha đi thăm thầy,
ông thầy nào mà ở xa hút trong rừng sâu thế? Ừ, dầu chẳng thâm sơn cùng cốc
gì lắm, nhưng cũng tàm tạm lìa xa bớt cái hợm hĩnh, phù phiếm của chốn quan
trường; ẩn trốn được cái ranh ma, xảo quyệt quá quắt của con người văn minh
đô thị! Ông con nói, ngôn ngữ của cha hôm nay léo lắt như có lửa cháy!
Ừ, trời lạnh, có lửa cháy mới ấm chứ con! Biết mình ngụy biện, ông cười
hì hì rồi tìm chỗ ngồi nghỉ chân cạnh cụm đá tảng nơi triền núi. Cả hai lấy
nước ra uống. Cha chưa hề nói chuyện với con về vị thầy này? Thầy ra sao?
Là một nhà sư chăng? Ừ, ông gật đầu, một lão sư; ông gân guốc, quắc
thước, xương kính như tùng, như trúc... Nhân duyên thầy trò như thế nào rứa
cha? Cũng chẳng là nhân duyên chi ghê gớm lắm! Hồi xưa, nhà sư và cha là bạn
đồng nghiệp... Sau ba mươi năm, gặp lại, qua câu chuyện, ta học được nơi nhà
sư rất nhiều điều, ở ngoài sách vở, hoặc từ sách vở mà ông đã tiêu hóa kỹ,
rất kỹ!
Họ lại lên đường. Người con nói,
cha kể cho con nghe với chứ. Ừ, hôm đó ta hỏi, đang dạy học ngon lành rứa,
buồn chuyện chi mà ông đi tu? Nhà sư cất giọng nhẹ nhàng, nhẹ tợ làn gió xao
qua cành liễu, hoá ra, trong óc ông chỉ có chuyện vui, chuyện buồn thôi sao?
Cha ngớ ra, lát sau, hỏi tiếp, ông đi tìm cứu cánh tối hậu là giải thoát,
niết-bàn, có phải? Niết-bàn, giải thoát ấy ở mô trên mây xanh, nói thử nghe
coi? Nhà sư lại cười, ông bạn nói giải thoát, nhưng giải thoát là giải thoát
cái chi chi mới được chứ? Cha lại bí, bực quá, không hỏi nữa... Mấy năm sau,
cái thời mà xã hội bức xúc nhất, quá nhiều chuyện buồn, ta lại bị gậy lội bộ
lên núi. Nhà sư đãi ta cơm độn khoai và canh rau muống, ôi, ngon quá là ngon.
Chúng ta uống nước lá rừng giữa trăng, sao, giữa thiên nhiên bình yên, mát
mẻ. Một giấc ngủ ngon, bao nhiêu bực bội dường như tiêu tan cả, nhưng ta cũng
nói, cũng hỏi. Đại khái là các giá trị đức lý, những cái phi lý khoác mặt nạ
hữu lý, sự quẫy lộn giữa các ý thức hệ ... vân vân... quằn quại quá, quẫn
quá, phiền não quá... vân vân... Ông đi tu là giỏi đấy! Nhà sư ngồi yên lặng,
chăm chú, rất chăm chú lắng nghe, thái độ đầy hiểu biết và đầy cảm thông...
Sau đó, ông hướng dẫn ta cách ngồi, cách thở... Thế nào là thở của khí công,
thế nào là thở của thiền định, thế nào là thở của thiền quán... Nó khác nhau
nhiều lắm đó con! Thế phiền não của cha, nhà sư trả lời ra sao? Người con tò
mò hỏi, ông nói, thuở đó ta rất bực vì dường như nhà sư giả đò, giả lơ đi,
không đáp!
Xế trưa, hửng nắng, ai cũng toát
mồ hôi, con đường mòn bây giờ lại vắt qua một sườn núi, sâu hun hút... Câu
chuyện được tiếp tục, ta muốn nhà sư giúp ta một lời khuyên. Nhà sư
nói, chẳng ai khuyên ai được điều gì cả. Sao thế, ta nói, ít
ra cũng giúp giải quyết được một vài bế tắc chứ? Không có, nhà sư
nói, giải quyết vấn đề chính là cố tạo thêm vấn đề cho phức tạp hơn! Không
đồng ý, ta nói, vậy là cứ để yên như thế sao? Nhà sư lại cười, ông
xem: Bên trong, bên ngoài, có cái gì đứng yên được đâu! Thệ giả như tư phù...
mà! Con ơi! Thế là ta lại thua nhà sư một keo nữa!
Câu chuyện giữa hai người khá là
thú vị, tuy ông giáo sư trẻ không ngạc nhiên gì lắm; triết lý, thiền học nào
cũng nói về điều ấy; nhưng dường như nhà sư này thò tay chỉ đúng huyệt đạo
của ông già!
Bây giờ là con đường sâm si lau
lách, đá cỏ chen chúc nhau dẫn vào một thung lũng, cây cối tươi xanh như một
bài thơ mùa xuân. Tiếng suối chảy róc rách từ khe rãnh hang hốc nào đó ở dưới
thấp; chim và mây và gió chao lượn đâu đó ở trên cao. Hương thông thơm ngát.
Không khí như không dính một mảy trần. Con biết không, ông cúi đầu bước đi,
tiếp tục, có cái gì đó bình thường, rất bình thường nhưng không phải thế
tục, tỏa ra nơi con-người-nhà-sư, mà ta không nắm bắt được. Có lần, ta
hỏi, đức Phật giúp chúng sanh gỡ thoát phiền não, tôi cậy ông, thế mà ông
lại quá hờ hững, tôi chê ông “bất cận nhân tình” đấy! Bất chợt, nhà sư
cười lớn tiếng, ông vu oan cho đức Phật rồi; ngài không cứu khổ, cứu nạn;
không gỡ phiền não cho ai cả; ông bị kinh sách đầu độc, đích thị là
như vậy! Con à, cha lại lúng túng. Nhà sư nói tiếp, hôm qua, trong
giấc ngủ ngon, ông đã tự xả bỏ phiền não rồi, sáng ngày, tự ông, ông đã đeo
mang nó lại, liên hệ gì đến đức Phật của tôi? Hãy nuốt lưỡi đi! Người con
nghĩ, cái này cũng không mới, là tuệ tri như thực - là tặng phẩm của thiền
quán Vipassanà đó thôi! Nhưng mà cách nói của nhà sư thì rất đúng bệnh, đúng
thuốc!
Con đường được nới rộng, không
gian như được mở ra... Sắp tới rồi đó con, nhưng để ta kể tiếp; chiêm nghiệm,
ta thấy nhà sư nói đúng, ông không dạy gì cho ta cả, nhưng mà ông đã xoáy, đã
xoáy sâu vào óc não và kiến thức hàn lâm, một thời, đã đóng cục đóng hòn ở
nơi ta! Thế rồi, nó bung vỡ lần lần. Ta thấy ánh sáng lần lần... Lần gặp sau
nữa, nhà sư nói, ông bạn già, hôm nay, có bao nhiêu phiền não, khổ đau trên
cuộc đời, ông bạn hãy mang hết ra đây, chúng ta cùng nhìn xem mặt mũi nó ra
sao, nó như thế nào - mà làm cho thế gian bận lòng đến thế! Con biết không,
ta tìm, ta tìm, ta tìm mãi mà chẳng thấy cái phiền não, khổ đau nào cả! Có lẽ
nhà sư biết, biết rất rõ, nên ông cười, này, không có gì hết phải không? Đúng
vậy, vì tất thảy chúng đều là không tính! Sung sướng quá con ơi, ta đại ngộ
tức thì. Từ đấy, ta coi nhà sư như là bậc thầy vĩ đại của ta! Con thấy đó,
bao nhiêu năm nay, ta không còn một mảy may phiền não; nói như kiểu của Nam
Tuyền lão sư là ta đã tìm được cái bình thường, bình thường tâm thị đạo.
Người con im lặng rất lâu. Cái kia cũng chẳng mới mẻ gì, nhà sư lặp lại câu
chuyện giữa Đạt Ma và Huệ Khả, nhưng hay và thiết thực ở chỗ là đúng lúc,
đúng thời! Người đạt ngộ, sống thiền, họ có thể nói lặp lại nhưng không sống
lặp lại. Nhà sư vô danh này cũng là tay khả thủ đây! Ông giáo sư trẻ nghĩ
thầm mà không dám nói với cha, trứng nào dám khôn hơn vịt! Nhưng mà kỳ diệu
làm sao, một vài vấn đề tâm linh nơi chàng tự dưng phơi phới sáng tỏ...
Một am tranh xơ xác, tiêu điều;
một bụi trúc lơ phơ, lá vàng rơi đầy... Người con mon men bước tới... vắng
tanh, vắng ngắt... Nhìn chiếc cổng tre hai cánh mở bám đầy rêu xanh, an nhiên
giữa tuyết sương, năm tháng - bất chợt, người con nhớ đến một bài thơ của ai
đó: Cửa sài hai cánh mở, mây trắng bước vào ra, phù sinh chừ rỗi
việc, rong chơi suốt bốn mùa... Một cảm xúc vô danh tuôn trào, ông giáo
sư lặng lẽ đến ngồi xuống nơi bàn đá lạnh lẽo... một tâm hồn cổ xưa nào đó
dường như còn lãng vãng xung quanh đây!
Có lẽ nhà sư đã đi du hóa phương
xa, con à, bây giờ con hãy phụ ta một tay, trồng khóm mặc lan rồi chưng nơi
bàn đá này để cho nhà sư đón Tết... Mặc lan Huế u hương, thanh nhã, khinh
diêu, du viễn, có nhà sư hay không có nhà sư thì hoa vẫn thanh thản đón
xuân...
Lát sau, người cha đứng vòng tay,
trầm tư bên chậu mặc lan đã trồng xong. Người con đi quanh... cả một đồi lau
trắng, quạnh hiu... Rồi ông bước vào am, thò tay kéo cái “bùng”, lấy thanh
tre chống lên. Răn rắc... bụi mọt bay mịt mù. Ông nhắm mắt lại một lát. Trống
không, nơi này không có người ở đã lâu. Duy nhất, chính giữa nền đất, áp sát
phên nứa là một tấm tọa cụ bằng nệm rơm đã meo mốc. Một bát nhang hờ hững,
xiêu đổ mấy cọng hương...
Người cha bước vào, ba cây hương
trên tay; rồi ông quỳ rất lâu, mắt hoe hoe đỏ... Ông con chắp hai tay đứng
lặng, kính ngưỡng một tâm hồn thiên cổ... Ra sân, người con cũng đứng lặng
rất lâu, nhìn ngắm bụi trúc duy nhất - bụi trúc, tâm không tiết trực, một đời
học làm người! Khóm mặc lan - u hương sâu kín, một đời học làm người! Và
ông đã hiểu thêm, ở nơi này, một loại lan rừng - ăn móc uống sương,
cũng một đời học làm người! Tất cả đều có thật.
Thôi, về con, ra giêng Tết có nắng
ấm, chúng ta lại lên thăm nhà sư, lúc ấy, chắc khóm mặc lan đã tàn hoa, nhưng
hương thơm khinh diêu, du viễn vẫn còn... còn mãi giữa bồng bềnh khói sương
cuộc lữ...
(Nguồn : Tạp chí Sông Hương)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét