Translate

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Đái tháo đường là gì ? : ĐƯỜNG HUYẾT - INSULIN – VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (TIỂU ĐƯỜNG)



11. Hỏi : Đường glucose 
có vai trò quan trọng gì đối với cơ thể ?
Trả lời : Đường glucose là năng lượng thiết yếu cho hoạt động tế bào cơ thể.  Glucose có nguồn gốc từ thức ăn hàng ngày và một phần do gan tạo ra. Trong cơ thể glucose vận chuyển từ nơi này đến nơi kia thông qua vai trò của Đường Huyết (ĐH). ĐH ở người bình thường giao động từ 0,80 – 1,20g/lít khi ta chưa ăn gì.
Khi tới thận glucose được lọc lại để cơ thể sử dụng cho các hoạt động chuyển hoá khác. Mức glucose tối đa trong máu mà thận có thể lọc được là 1,80g/lít, quá 1,80g thì glucose sẽ xuất hiện trong nước tiểu tức là bị bệnh đái tháo đường. Người ta bảo ngưỡng lọc của thận đối với glucose là 1,80g/lít hay 180mg%. 

12. Hỏi : Làm thế nào mà ĐH ít thay đổi như vậy ?
Trả lời : Sở dĩ ĐH ít thay đổi do có một hệ thống giúp cơ thể ổn định nó : làm tăng lên khi mức glucose trong máu xuống thấp và giảm bớt khi mức glucose trong máu quá cao. Hệ thống này rất phức tạp, nhưng liên quan đến đái tháo đường thì ta chỉ cần chú ý đến insulin.      

13. Hỏi : Insulin là gì ?
Trả lời : Insulin là một chất kích thích (nội tiết tố), còn gọi là hócmôn, do tuyến tuỵ (“pancreas” lá mía) nằm sau dạ dày (bao tử) tiết ra có chức năng điều hoà chuyển hoá đường glucose. Tất cả các tế bào, trừ tế bào gan và hồng cầu đều cần có insulin mới đi vào trong tế bào được. Insulin được ví như cái chìa khoá, dùng để mở cửa tế bào cho glucose thâm nhập vào bên trong.

14. Hỏi : Cơ chế nào chỉ huy sự tiết insulin ?
Trả lời : Insulin tiết nhiều hay ít phụ thuộc vào chính nồng độ ĐH. Sau bữa ăn glucose do thức ăn vừa đem tới làm ĐH tăng cao. Chính sự tăng cao ĐH này kích thích tuỵ tiết ra nhiều insulin để hạ mức ĐH xuống làm cho ĐH ổn định trở lại.  Còn ngoài các bữa ăn ĐH có xu hướng xuống thấp, điều kiện này không kích thích sự tiết insulin.

15. Hỏi : Sự tiết insulin có ảnh hưởng như thế nào đến việc phát sinh bệnh đái tháo đường ?
Trả lời : Y học đã xác định khi tuỵ bị thương tổn insulin tiết ít dần và tới một lúc nào ngưng không tiết được nữa. ĐH tăng sau khi ăn như trong điều kiện bình thường nay không còn insulin để hạn chế sẽ tăng lên quá mức. Sự tăng ĐH quá mức làm cho thận không lọc được glucose nên glucose sẽ tràn vào trong nước tiểu và gây ra bệnh đái tháo đường. Trong đái tháo đường típ 1 hoàn toàn không còn insulin ; trong đái tháo đường típ 2 insulin còn tiết rất ít hoặc insulin có nhưng không đủ chất lượng để phát huy tác dụng sinh học.


16. Hỏi : Có mấy loại đái tháo đường ?
Trả lời : Có lẽ nên dùng từ (bệnh) thể, (bệnh) típ (kiểu) khi phân loại đái tháo đường thì đúng hơn. Dùng từ “loại” dễ gây hiểu lầm là bệnh nặng hay nhẹ; thí dụ cho rằng đái tháo đường típ 2 nhẹ hơn đái tháo đường típ 1 là không đúng. Y học dùng từ thể, típ chỉ để mô tả biểu hiện của bệnh theo một quy ước chuyên môn thống nhất mà thôi.
Người ta chia thành các thể đái tháo đường như sau :
Đái tháo đường típ 1
Đái tháo đường típ 2
Đái tháo đường khi mang thai (đái tháo đường thai kỳ ĐTĐTK)
Đái tháo đường do các nguyên nhân khác ít gặp : do ngộ độc, do một số bệnh nội tiết (tuyến yên, tuyến thượng thận) v…v

17.Hỏi : ĐTĐ típ 1 và típ 2 là gì ? Khác nhau thế nào ?
Trả lời :
ĐTĐ típ 1, chiếm 5-10% tổng số bệnh nhân ĐTĐ thường gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, hoặc trẻ hơn. Có thể gặp ngay cả ở trẻ em dưới 10 tuổi, nên còn gọi là đái tháo đường thiếu niên. ĐTĐ típ 1 thường có đầy đủ các triệu chứng của bệnh.
ĐTĐ típ 2, chiếm 85-95% tổng số bệnh nhân ĐTĐ, thường gặp ở tuổi 30 trở lên, nên cũng gọi là đái tháo đường người lớn. ĐTĐ típ 2 có thể không có triệu chứng, vì bệnh diễn biến âm thầm đã lâu ngày, hoặc triệu chứng không nổi bật nên bệnh nhân không chú ý hoặc đã quên mất.

  1. Hỏi : Giới hạn tuổi có phải là tiêu chí chắc chắn để phân biệt ĐTĐ típ 1 với típ 2 không ?
Trả lời : Giới hạn tuổi đúng với đa số các trường hợp. Nhưng ngày nay ĐTĐ típ 2 có thể gặp cả ở trẻ em, người trẻ tuổi đặc biệt khi có béo phì. Ngược lại trong một số trường hợp người lớn tuổi vẫn có thể bị ĐTĐ típ 1.
Đối với các trường hợp này bác sĩ phải theo dõi và có khi cần làm một số xét nghiệm đặc biệt mới xác định chính xác được.

  1. Hỏi : Thế nào là ĐTĐ phụ thuộc insulin và ĐTĐ không phụ thuộc insulin ?
Trả lời : ĐTĐ típ 1 bắt buộc phải chích insulin hàng ngày, nếu không bệnh nhân sẽ mắc một biến chứng chết người do nhiễm (độc) acid-xêtôn khi ĐH quá cao. Đại đa số ĐTĐ típ 2 chỉ cần dùng thuốc uống làm giảm ĐH. Vì thế trước đây người ta gọi ĐTĐ típ 1 là ĐTĐ phụ thuộc insulinĐTĐ típ 2 là ĐTĐ không phụ thuộc insulin.
Nhưng ngày nay có rất nhiều trường hợp ĐTĐ típ 2, mà đến một lúc nào đó, dùng thuốc uống giảm ĐH không còn hiệu quả mặc dù đã cho liều cao và phối hợp nhiều loại thuốc. Khi đó muốn giảm mức ĐH người ta cũng phải cho bệnh nhân chích insulin.
Vì thế trong xếp loại mới nhất của Liên Đoàn Đái Tháo Đường Quốc Tế và Tổ Chức Y Tế Thế Giới người ta không dùng cụm từ ĐTĐ phụ thuộc và không phụ thuộc insulin nữa. Từ nay tên gọi
ĐTĐ típ 1 thay thế cho ĐTĐ phụ thuộc insulin, ĐTĐ típ 2 thay thế cho ĐTĐ không phụ thuộc insulin.

Xem thêm bài Tự theo dõi đường huyết trê người đái tháo đường trong sách “Đái tháo đường làgì ?”





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét