Translate

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Thủy Hử Truyện và truyền thuyết (2).


PHẠM XUÂN HY

***
Về Thủy Hử Truyện
水滸傳
« Thủy Hử Truyện » còn có tên « Trung nghĩa Thủy Hử truyện » là một tác phẩm đại biểu cho lọai anh hùng truyền  kỳ  trường biên tiểu thuyết, tác giả Thi nại Am (Có thuyết nói là La Quán Trung)
Thi Nại Am đã dựa vào những cố sự lưu truyền trong dân gian, và các thọai bản, các tạp kịch,  làm cơ sở  rồi tái sáng tác lại mà thành.
Như trên chúng tôi đã trình bầy, Thủy Hử Truyện đã lấy lấy bối cảnh lịch sử  cuối thời Bắc Tống,  để tường thuật về cuộc nổi dậy của nông dân, từ lúc bắt đầu đến lúc thất bại, mô tả một cách chân thực sinh họat hủ bại, và những tội ác xấu xa của lớp vua chúa, quan quyền phong kiến, bóc lột dân chúng, đi đến chỗ “quan bức dân phản官逼民反” , buộc dân phải tìm đến Lương Sơn Bạc.
Thủy Hử Truyện thànnh công trong việc sáng tạo rất nhiều nhân vật, nhiều anh hùng,  mà mỗi nhân vật là một « khâu » rõ ràng, riêng rẽ, mỗi anh hùng đều có cá tính khác nhau. Như Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ, Võ Tòng, Dương Chí, Ngô Dụng, Tống Giang … Ngôn từ  sáng sủa, văn chương điêu luyện, sinh động, ca tụng cuộc chiến tranh của người dân thấp cổ bé họng, phản đối sự áp bức tàn ác của kẻ nắm quyền thế độc tôn, phù trợ chính nghĩa, làm say mê người đọc.
Bản gốc Thủy Hử Truyện nay khôn tìm được nữa, nhưng có nhiều khắc bản 刻本 lưu hành  khác nhau.
Chủ yếu có các bản như dưới đây :
- Bản « Trung Nghĩa Thủy Hử Truyện » (100 hồi )khắc vào niên hiệu Gia Tĩnh nhà Minh của Võ Định Hầu Quách Huân, thuật đến chuyện Tống Giang chịu chiêu an hàng triều đình,  có tình tiết đi đánh  Liêu và chinh thảo Phương Lạp, thì kết thúc.
-Bản 70 hồi./ -Bản 110 hồi ./-Bản 115 hồi./-Bản 120 hôi./-Bản 124 hồi/-Bản 141 hồi
Trong các bản trên đây, thì 70 hồi đầu đều giống nhau.
- Riêng Bản « Trung Nghĩa Thủy Hử Tòan Truyện » (120 hồi) khắc vào niên hiệu  Thiên Khải đời vua Sùng Trinh do Dương Định Kiến khắc, có thêm tình tiết  Tống Giang đi chinh thảo Điền Hổ và Vương Khánh.Bản này, theo các nhà nghiên cứu số nhân vật lên đến 1300 nhân vật.
- Bản « Đệ Ngũ Tài Tử Thư Thủy Hử Truyện » ( 70 hồi, và 1 hồi mở đầu ) do Kim Thánh Thán phê bình. Kim Thánh Thán đã dựa vào bản « Trung Nghĩa Thủy Hử Tòan Truyện » (120 hồi) rồi cắt bỏ những  tình tiết Tống Giang chinh Liêu , chinh Điền Hổ, chinh Vương Khánh, chinh Phương Lạp, và tăng thêm một hồi Lư Tuấn Nghĩa mơ thấy một cơn ác mộng, rồi đưa đến việc nghĩa quân dần bị sát hại thì bị san cải hết.
Mặc dầu bị san cải, nhưng chủ yếu của cốt truyện, vẫn còn được  bảo lưu và văn tự tương đối  tinh luyện sáng sủa.Ngòai ra còn nhiều bản tóm lựợc khác.
Số lượng nhân vật trong Thủy Hử Truyện tổng cộng gồm co 685 nhân vật chia ra :
-577 người có danh tính ;/-99 người không danh tính /-9 người có tên nhưng không có họ.
Sau « Thủy Hử Truyện », còn có một số tác giả khác, tùy theo quan điểm, tư tưởng của mỗi người ,  viết nối theo  « Thủy Hử truyện » như  các truyện :
-Đãng Khấu Chí của Du Vạn Xuân đời Thanh
-Hậu Thủy Hử Truyện  Của Thanh Liên Thất Chủ Nhân đời Thanh
-Thủy Hử Hậu Truyện của Trần Thẩm người thời Minh mạt Thanh Sơ.
Phần lớn tình tiết, nhân vật,  trong tác phẩm này đã được tác giả Thi Nại Am dầy công gian khổ góp nhặt từ các truyền thuyết dân gian, hí kịch, bình thọai, rồi gia công, hun đúc, hư cấu mà viết thành truyện Thủy Hử, chứ không hòan tòan  là nằm trong khuôn sáo của lịch sử.
Những nhà nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, nhìn nhận rằng tiểu thuyết Trung Quốc thường khởi đầu đi từ những quán trà,tửu quán mà ra.
Truyện Thủy Hử cũng vậy, tránh không  khỏi cái thông lệ đó.
Những cố sự, giai thọai trong truyện này, cũng rất sớm trước đó đã được kể bằng lời nói từ những nơi chợ búa, xóm ngõ, rồi mới được thành hình, và phát triển thành văn viết.
Vào khỏang thời gian giữa hai triều Tống và Nguyên, nghề “thuyết thoại” - tức nghề kể truyện-, một  nghề được liệt là trong 16 nghề chính thức,  làm ăn rất phát đạt. Có một số nghệ nhân, hoặc họa sĩ có tài, ghi nhớ lại các lời kể, viết vào giấy dùng làm tài liệu dậy cho môn đồ.
Những tài liệu như thế được gọi là “cước bản脚本- tức bản thảo gốc” sớm nhất của truyện Thủy Hử.Rồi sau khi được sửa đổi,  nhuận sắc lại, “cước bản”  Thủy Hử truyện này được khắc in, phát hành, trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng.Mặc dầu những cố sự trong  truyện Thủy Hử được ổn định,in khắc thành sách, đã là một tác phẩm văn học nổi tiếng, nhưng những truyền thuyết, « thuyết thọai » ,  tức kể truyện Thủy Hử  bằng lời nói, vẫn được tiếp tục “kể”, và tiếp tục phát triển một cách có mạch lạc.
Cho nên, có nhiều giai thọai, và truyền thuyết, không được Thi Nại Am nhắc đến trong tác phẩm Thủy Hử của ông, lọai văn học truyền khẩu này, nói một cách khác, đó là lọai «Thủy Hử ngoại truyện ».Người viết mạo muội dịch ra dưới đây vài truyện mua vui.

Hồng Liên Nữ Nghĩa Cứu Hắc Tam Lang    (紅蓮女義救黑三郎)
-(Hồng Liên Nữ Vì Nghĩa Cứu Tống Giang)

Sau khi Tống Giang giết Diêm Bà Tích, biết là mình đã tự chuốc đại họa vào thân, bèn nhân trời còn mờ mờ tối, tìm đường trốn chạy. Đến gần sáng, thì nghe thấy  tiếng trống cáo phát án mạng nổi lên, do viên Đô Đầu mới đổi đến tên là Bốc Nghĩa hăng hái đi bắt Tống Giang.
Viên Tri Huyện huyện Huy Thành, không làm gì khác hơn được, chỉ phái mười tên sai dịch cùng  Bốc Nghĩa đi trước lùng bắt Tống Giang. Thường nhật,  giữa Tống Giang và Tri Huyện có mối giao hảo rất là thân tình,  nên trong lòng ông có ý muốn giúp cho Tống Giang thóat thân. Nhân Chu Đồng và Lôi Hoành mới đi công tác về, ông bèn phái hai người này đi theo.
Trời sáng mờ mờ, chính lúc Tống Giang duyên theo một con lộ nhỏ mà chậy. Càng chậy càng cảm thấy mệt.Trấn tĩnh lại nhìn, Tống Giang súyt bật lên thành tiếng,bụng bảo dạ : « Mẹ kiếp, sao mình lại chậy trở lại huyện Huy Thành thế này ! ». Thình lình nghe có tiến người hò hét :
-Đuổi theo mau ! Mau lên.Bắt được Tống Giang là có thưởng.
Tống Giang nghe thấy thế, lại càng cuống lên, rẽ  vào lối ngã ba mà chậy ngã.
Khi đó, Bốc Nghĩa cũng phát hiện ra bóng của Tống Giang, bèn lớn tiếng hò hét đuổi bắt.
Cũng may, trước mặt Tống Giang có một thôn xóm nhỏ, Tống Giang vội vã lách vào một con đường hẻm, ngẩng đầu nhìn lên, bất giác giật bắn người. Té ra đó là một con đường hẻm cụt, tắc tịt.May ở góc tường, có một cây táo, Tống Giang vội vã bíu lấy, leo lên đầu tường, rồi nhẩy xuống dưới sân . Bấy giờ bọn người tróc nã Tống Giang  cũng đuổi đến dưới chân tường. Tống Giang nhìn thấy bên trong nhà còn leo lắt có ánh sáng, không dám tiến vào, mà đi vòng ra lối hậu viện. Chỉ thấy gian phòng đàn bà ở mé đông, để hở một cánh cửa, bèn lấy tay đẩy ra, liều lĩnh bước vào, thì nghe có tiếng người sợ hãi kêu lên một tiếng kinh ngạc :  “A!”.Rồi một cô gái, đầu tóc rối bời, vén mùng thò mặt ra hỏi:
-Ông muốn gì ?
Tống Giáng đáp :
-Xin cô nương đừng sợ. Tôi là Tống Giang lánh họa chậy đến đây. Sẽ đi ngay.
Tống Giang nói xong, tung người nhẩy lên bàn, tính chuồn sau cửa sổ để chậy.
Người con gái nghe thấy hai tiếng “Tống Giang”, ngồi bật dậy, đưa tay kéo vạt áo Tống Giang lại, nói một cách vội vã :
-Ông không nên đi ra lúc này cửa lớn đã bị phá vỡ,  bọn sai dịch đang lục sóat ở đằng trước, một lát nữa sẽ vào đến hậu viện.
Rồi người con gái mở chăn của mình ra một nửa, nói với Tống Giang :
-Hãy mau chui vào đây mà nấp !
Tống Giang thấy cô gái chỉ mặc có nội y, quần áo lót, thì lắc đầu quầy quậy.
Bên ngòai vẫn tiếng người hô hóan, ồn ào.
Bọn sai dịch đã vào đến hậu viện, khiến cho cô gái sốt ruột mắt muốn đổ lửa.
Tống Giang không còn cách nào khác, đành phải vạch chăn của người con gái chui vào.
Người con gái đậy chăn cho Tống Giang, rồi lại kéo mùng vào.
Khỏanh khắc.Bỗng nghe một tiếng “rầm”, Bốc Nghĩa phá cửa bước vào, thấy căn phòng nhỏ bé, chật chội, liệu không có chỗ cho người ẩn trốn, bèn lấy đao kéo cửa mùng ra, thấy người con gái nghiêng mình mà nằm, để lộ một cánh tay ra bên ngòai chăn. Đúng lúc đó, Chu Đồng, Lôi Hòanh bước vào, hét lớn:
Ngươi khhông được vô lễ! Tại sao nhà dám bước vào khuê phòng nhà người ta ?
Bất đắc dĩ, Bốc Nghĩa phải đi ra khỏi phòng.
Tiếng ồn ào huyên náo đi xa dần.Tống Giang vội vàng bước xuống giường. Người con gái cũng chỉnh đốn y phục lại.
Tống Giang tiến đến trước mặt thi lễ, nói :
-Mong ơn cô nương đến cứu giúp, nếu như sau này gặp đại nạn mà không chết, thì sau này nhất định xin hậu báo.
Người con gái tươi cười, bảo với Tống Giang :
-Tam lang ! Anh không nhận ra thiếp sao ?
Tống Giang bất ngờ chưng hửng, ngẩng đầu lên nhìn. Chỉ thấy người con gái, mắt hạnh mày liễu, môi đỏ, cổ anh đào, lưng nhỏ eo thon, chẳng khác chi một đóa hồng liên (hoa sen) vừa từ mặt nước mọc lên.
Tống Giang không nhận ra người con gái này là ai, chỉ biết lắc đầu đáp lại. Người con gái mỉm cười chúm chím, lấy tay vuốt làn tóc buông dưới má bên trái ra đằng sau tai, để lộ ra một nốt ruồi mầu đỏ, to bằng hạt đậu. Tống Giang mới sững sốt ngạc nhiên kêu lên:
-A ! Giang Liên.
Người con gái tỏ ra bẽn lẽn thẹn thùng “ứ hự” một tiếng.
Người con gái này họ Giang, tên Liên, vốn là con gái của người cô Tống Giang, lúc còn bé từng sống ở nhà bà ngọai, cùng với Tống Giang chơi đùa nghịch ngợm rất là thân thiết, ngây thơ, không úy kỵ gì, như “thanh mai trúc mã 青梅竹”. Giang Liên gọi Tống Giang là : Hắc Tam Lang – Anh Ba Đen. Còn Tống Giang gọi Giang Liên là “Xuyên Mã Thung 马桩 - Cọc cột ngựa”.
Hai họ Tống ,và Giang đã thầm có ý kết duyên  Tấn Tần, nhưng thân phụ của Tống Giang  mượn người xem quẻ, quẻ cho biết là thuộc tướng của hai người không hợp.
Nên việc lấy nhau không bàn đến nữa.
Từ nhỏ, Giang Liên tính vốn cương nghị, cứng rắn, từ khi không lấy Tống Giang thì thôi không qua lại vãng lai đến Tống Gia Thôn nữa. Sau này cha mẹ Giang Liên đều qua đời. Người anh và chị dâu của nàng chỉ ham lo kiếm tiền, đem Giang Liên hứa gả cho một người lái buôn cự phú  ở Giang Nam.
Tống Giang được tin đó, sầu trường trăm đọan, thở ngắn than dài, lòng hối hận không kịp.
Sau này, Tống giang làm Áp Ty ở huyện Huy Thành,  được bạn bè khuyên nhủ, mới lấy Diêm Bà Tích.
Bấy giờ, Giang Liên lại hỏi Tống Giang :
-Tam ca! Vì sao phải chậy trốn đến đây ?
Tống Giang bèn đem đầu đuôi  câu chuyện vì tức giận giết Diêm bà Tích thuật cho Giang Liên nghe.
Giang Liên nói:
-Ông trời có mắt, nên may mắn cho thiếp gặp lại Tam ca. Nhà phú thương ở Giang Nam vài ngày nữa sẽ đến đón dâu. Nhưng thiếp lẽ nào lại lấy làm vợ bé ông già ngòai năm mươi tuổi cơ chứ.Có lúc muốn chết cho xong, đâu có ngờ ngày hôm nay được trùng phùng với Tam ca.Tam ca, cho thiếp đi trốn theo , sau này chúng mình sẽ thành vợ thành chồng.
Tống Giang trả lời:
-Nếu ta với nàng cùng đào tẩu chung với nhau, giả như bị bắt lại, vụ án của ta sẽ  bị hiểu lầm là một vụ án giết người vì tình; không liên lụy đến nàng hay sao ? Chẳng thà, hôm nay ta trốn đi trước đến nhà Sài Đại Quan Nhân ở quận Hòanh Hải Thương Châu, rồi nhờ Sài Đại Quan Nhân cho người kín đáo về đón nàng, như vậy nàng nghĩ sao ?
Giang Liên chỉ còn biết ngậm ngùi rơi lệ, gật đầu, rồi rút một cây trâm bằng vàng  ở trên đầu xuống,dâng lên cho Tống Giang mà nói:
-Đây là di vật của mẫu thân thiếp, xin trao cho chàng làm lộ phí đi đường.
Rồi hai người cùng khóc mà từ giã nhau.
Mấy ngày hôm sau, viên lái buôn cự phú ở Giang Nam đến Huy Thành để đón dâu, muốn ép nàng phải cùng về.
Người anh và chị dâu Giang Liên, mặc cho nàng gào khóc , ngất đi, cứ khiêng nàng xuống thuyền, rồi dương buồm đi một lèo. Khi Giang Liên tỉnh lại thì thuyền đã đi khỏi quê nhà quá xa. Nàng vô cùng đau khổ, không muốn sống nữa, và nhân không có người phòng bị, Giang Liên nhẩy tòm xuống sông.
Sau này, khi Sài Đại Quan Nhân cho người cho người đến đón, nghe được tin đó, thông tin cho Tống Giang biết, khiến Tống Giang đau khổ vô cùng, thề quyết không  lấy vợ nữa.
Giang Liên nhẩy xuống sông nhưng không chết. Nàng được một ngư phủ vớt lên cứu sống. Giang Liên bèn ẩn tính mai danh, cắt tóc làm ni cô.
Sau này, Võ Tòng đến Hàng Châu, tu ở trong chùa Lục Hòa Tự, đưa tin nói là Tống Giang và những hảo hán Lương Sơn Bạc đã được chiêu an.Giang Liên biết là Tống Giang còn sống, vừa mừng vừa lo, nên lên đường khất thực  hóa duyên đi tìm Tống Giang. Nhưng khi nàng đến Lương Sơn Bạc thì lại được tin là Tống Giang trước đó một tháng đã bị bọn tham quan ô lai đánh thuốc độc giết chết rồi.
Giang Liên đau đớn điên cuồng, ruột gan đứt ra từng đọan, leo lên đỉnh Hổ Đầu Phong ở Lương Sơn Bạc, khóc lóc kêu gọi tên Tống Giang, rồi tung người từ    eo núi xuống dòng nước bạc mênh mang.
Ít lâu sau, nơi  vụng nước chỗ Giang Liên tự tử, nẩy sinh ra một lọai hoa sen thật lớn. Lá bằng cái chiếu, hoa như cái tán, đỏ au au. Dân chúng phụ cận vùng đó, đến xem hoa, đều cho rằng lọai sen đó là hóa thân của Giang Liên, và gọi sen đó là Hồng Liên.

(Bài viết do học giả Thôi Thái Vân sưu tập và chỉnh lý-Phạm Xuân Hy dịch xong ngày 26-3-2016, lúc 21h 12).

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét