Translate

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Thủy Hử Truyện và truyền thuyết. (1)




PHẠM XUÂN HY (Paris)
Anh  Phạm Xuân Hy là người rất thông thạo cổ văn Hán Nôm. Anh đã
dày công khảo cứu về bộ truyện Thủy Hử mà chúng ta đã đọc
ở nhiều nơi cũng như đã xem trên các bộ phim xi nê.
Trong khảo cứu này anh cung cấp cho chúng ta những điều mà
người ta còn chưa thống nhất về cái kết cục của các vị anh hùng
mà chúng ta đã vô cùng yêu mến.Xin mời các bạn cùng xem






Tôi đọc truyện Thủy Hử đã lâu lắm rồi, từ hồi lên chin mười tuổi gì đó, không nhớ rõ nữa. Sau này , tôi lại có dịp đọc lại một vài lần nữa.Nhưng bây giờ già rồi.Trí nhớ kém cỏi.Chỗ còn chỗ mất. Lờ mờ như khói, lãng đãng  như sương.Vào những tháng  mùa đông hiu hắt. Những chiều tàn lão bệnh cô liêu. Buồn vô hạn. Lại giở ra đọc.
Cũng may, xóm tôi có mấy cụ già đồng tuế, đồng bệnh với nhau. Có cụ mắt  mũi kèm nhèm, đi lại siêu vẹo như nhẩy bebop. Có cụ thấp bé, tóc hoa râm, lưng còng phải cầm cái dù làm gậy chống. Có cụ lọm khọm mà diện mạo hồng hào như trẻ thơ.  Lại có cụ khô khan, xương xẩu, im lìm như que củi.
Tựu chung, niên linh đều đã bước vào cõi “trung thọ中壽 cả rồi.
Tuổi già đa bệnh. Sờ đâu cũng thấy lạnh lùng. Các cụ bèn rủ nhau ra quán ngồi nhâm nhi  tách cà phê, hay uống một lon bia, kể lại truyện cổ tích “Saigon ngày tháng cũ”, cho ấm lòng đất trích quê người.
Câu chuyện của các cụ chẳng bao giờ có đề tài cố định.
Thường là, nhắc đến những địa danh, những phong cảnh, những nhân vật, những bằng hữu một thời nơi cố quận ngày xưa.Bây giờ nhiều người đá đã xanh rêu, đi vào cát bụi.
Tiếng truyện trò của các cụ nghe thì thầm trầm bổng, lao sao cao thấp.Lúc  văng vẳng mơ hồ.Lúc xa xôi lãng đãng. Nghe thống thiết như tiếng đàn Tỳ Bà của người kỹ nữ già trên bến Tầm Dương,  thuật lại cuộc đời trôi nổi của mình lúc còn trẻ đẹp, đi hát ở kinh đô Trường An, phồn hoa nhộn nhịp.Đến nay già lão thì bị người đời hắt hủi.
Trong “Tỳ Bà Hành”, Bạch Cư Dị đã từng chia xẻ vận mệnh hẩm hiu  của ông cùng với  người kỹ nữ bị đời bỏ rơi này, bằng những câu như :

同是天涯淪落人
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Cùng một lứa bên trời lận đận
Hay câu :
座中泣下谁最多
江州司青衫湿.
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa
Giang Châu Tư Mã thanh sam thấp
Lệ ai chan chứa hơn người,
Mảnh gương Tư Mã đẫm mầu áo xanh.
Càng thêm day dửt mủi lòng.

Hỏi sao. Thì chỉ nghe có tiếng sụt sịt “hi...hu”. Mang mang đẫm lệ Tầm Dương.
Té ra, hồn chàng Tư Mã Áo Xanh hiện về. Chim Quyên nhớ nước.
Làm các cụ liên tưởng đến Bến Bạch Đằng, đến Bến Thủ Thiêm của Sài Gòn hoa lệ cũ.
Ngày xưa nơi đây.
Cũng trên bến dưới thuyền. Ca lâu tửu quán.Trai thanh gái lịch, và những nàng ca nữ xinh đẹp nổi tiếng, tụ hội một thời.
Rồi  nhớ đến tên những con đường : Tự Do, Nguyễn Huệ. Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Trần hưng Đạo...Những nơi đã in mòn biết bao nhiêu gót giầy tuổi trẻ.
Và tên  các rạp ciné nằm trên các con đường này : Rex.Eden.Vĩnh Lợi.Đại Nam.Majectic, bỗng lần lượt trở về trong trí nhớ của các cụ.Cái thuở mà tay chân còn vụng về, quờ quạng, vội vã tìm nhau khi đèn trong rạp vừa phụt tắt.
Chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian.(Văn Cao-Thiên Thai)
Các cụ cứ thế, vòng vo kể lể. / Cho đến lúc hồn chàng Tư Mã Áo Xanh “ thăng”. Ra đi.
Thì bỗng có cụ rẽ đề tài sang ngõ khác. Kể truyện Tầu : Tam Quốc, Thủy Hử.
***
Thủy Hử Truyện  vốn là một tác phẩm chương hồi tiểu thuyết nổi tiếng trong văn học cổ điển Trung Hoa, đã được  dịch ra nhiều tiếng trên thế giới, và tại Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều bản dịch khác nhau.
Tôi đã từng đọc bản dịch của La Thần,và của Á Nam Trần Tuấn Khải, của Tử Vi Lang sau này. Bản dịch của Tử Vi Lang vẫn là bản dịch mà tôi đắc ý.
Những dịch giả này thường dựa vào bản “Thủy Hử Truyện” 70 hồi, bản đã được Kim Thanh Thán, một nhà phê bình văn học nổi tiếng  đời Thanh đã san cải và có bình bàn ở cuối mỗi hồi.
Thủy Hử bản 70,  từ hồi thứ nhất, thuật truyện Hồng Thái Úy mở cửa động “Phục Ma Chi Điện 伏魔之殿” thả 72 ngôi Địa Sát và 36 ngôi Thiên Cương, xuống trần đầu thai  trở thành 108 hảo hán Lương Sơn Bạc.
Hồi chót, thuật lại cơn ác mộng của Lư Tuấn Nghĩa  mơ thấy 108 hảo hán Lương Sơn Bạc bị triều đình giết sạch, chỉ thấy giữa trời nổi lên mấy chữ:
天下太平 / Thiên Hạ Thái Bình thì truyện kết thúc.

Nhà văn Thi Nại Am đã dựa vào bối cảnh lịch sử Trung Quốc, viết truyện Tống Giang lãnh đạo nông dân các vùng Hà Bắc, Sơn Đông đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình cuối thời nhà Bắc Tống.Đúng ra là vào thời vua Tống Huy Tông, niên hiệu Tuyên Hòa.
Câu truyện Tống Gianh khởi nghĩa như sau:
-Tháng 12 năm Tuyên Hòa nguyên niên, tức năm 1119, vua Tống Huy Tông từng xuống chiếu “chiêu an tên tướng cướp Tống Giang”, Việc nhà vua phải xuống chiếu chiêu an, chứng tỏ rằng triều đình nhà Tống đã bị quân khởi nghĩa của Tống Giang đả kích,tấn công nặng nề trầm trọng.
Lúc Tống Giang chưa được chiêu an, quân khởi nghĩa liên tục chiến đấu, xuất nhập, ẩn hiện ở các châu : Thanh, Tế, Bộc, Huy, Nghi,Hải, Sở...
-Đến năm sau, tức năm Tuyên Hòa nhị niên,tức năm 1120, quân của Tống Giang từ Kinh Đông Tây Lộ tiến sang Đông Lộ. Viên Tri Châu Hào Châu là Hầu Mông phải thượng sớ lên triều đình tấu rõ là lực lượng quan quân tuy có đến mấy vạn, nhưng không có ai dám trực diện chống trả , Hầu Mông cũng đề nghị  với triều đình nên chiêu an Tống Giang, dùng Tống Giang  đi trấn áp cuộc nổi dậy của Phương Lạp.
Vua Tống Huy Tông bèn bổ nhiệm Hầu Mông làm tri Phủ Đông Bình, nhưng Hầu Mông chưa kịp đến nhậm chức thì bị bệnh qua đời.
Vì lúc bấy giờ  quân khởi nghĩa chủ yếu họat động ở vùng Huy Châu, nên tương truyền là nghĩa quân của Tống Giang trú đóng ở Lương Sơn Bạc.
-Đến tháng 11cùng năm, Tống triều phái Tri Châu Hấp Châu là Tăng Hiếu Ôn  làm Tri Châu Thanh Châu, đi trước trấn áp quân của Tống Giang, nhưng vì quân của Phương Lạp phát triển mạnh mẽ, nên ít lâu sau đó triều đình lại đổi Tăng Hiếu Ôn làm Tri Châu Hàng Châu, Mục Châu.
Tống Giang dời quân xuống phía nam Nghi Châu, khi quân  đi từ vùng phía nam Thanh Châu đến Nghi Châu, rồi mượn đường đi với Tri Châu là Tưởng Viên, nhưng bị Tưởng Viên tập kích đánh úp, quân chết khá nhiều.
-Năm Tuyên Hòa tam niên, tức năm 1121, Tống Giang kéo quân từ Nghi Châu tiến đánh quan quân ở Hòai Dương, Tống triều khiến quân binh, tướng lãnh  tiến hành chặn và cắt đứt đường  của Tống Giang. Tống Giang phải chuyển hướng đi về phía đông bắc, rồi lấy thuyền vượt biển tiến vào Thuật Dương Huyện, giao chiến với viên Huyện Úy là Vương Sư Tâm.Quân của Tống Giang chiến đấu mãnh liệt, chuyển chiến hàng chục trận, quân triều đình không dám chống cự.
-Tháng 12, khi Tống Giang từ biên giới hai châu là Hải Châu và Sở Châu xuất quân, thì Tống Huy Tông  ra lệnh cho Tri Châu Hải Châu là Trương Thúc Dạ vừa ra sức trấn áp vừa dụ hàng Tống Giang. Trương Thúc Dạ cho trinh sát dò xét,  biết là Tống Giang mới đọat được mười chiếc thuyền lớn, chở đày hóa vật. Trương Thúc Dạ cho quân mai phục, dụ cho quân Tống Giang tác chiến ở trên bờ sông, rồi thừa cơ phóng hỏa đốt hết thuyền của Tống Giang. Quân của Tống Gian bị quân mai phục của Trương Thúc Dạ vây chặt, đánh tan tành.
Tống Giang hòan tòan bị đại bại, không làm gì được hơn, đành phải xin đầu hàng với Trương Thúc Dạ. Nghĩa quân người nào sống sót, thóat được, tiếp tục cuộc chiến đấu.
***
Cuộc nổi dậy của Tống Giang  rất là ngắn ngủi, từ cuối năm Tuyên Hòa nguyên niên, tức năm 1119, đến đầu năm Tuyên Hòa tam niên,tức năm 1121, đời Tống Huy Tông, tổng cộng bất quá hơn một năm,  chỉ được chính sử nhắc đến một cách rất sơ sài, lác đác.Chỗ nầy dăm chữ, chỗ kia vài hàng.
Chẳng hạn, trong Tống Sử  chỉ  ghi rằng :
” Bọn cướp ở Hoài Nam là Tống Giang xâm phạm quan quân ở Hòai Dương, lại tấn công Kinh Đông, Giang Bắc, tiến nhập vào địa phận Hải Châu đất Sở, nhà vua hạ lệnh cho Tri Châu Trương Thúc Dạ chiêu hàng
Nên đối với kết cục của đội ngũ lãnh đạo cuộc nổi dậy của Tống Giang, trở nên một nghi án, không rõ ràng, và có nhiều  truyền thuyết bất nhất khác nhau, bàn cãi phân vân về vấn đề này.Đại khái, có thuyết cho rằng :
1- Tống Giang và đồng bọn bị cầm tù.
Sách « Đông Đô Sự Lược -Tống Huy Tông” chép rằng rằng :
Tháng hai năm Tuyên Hòa thứ ba, bọn giặc Phương Lạp vây hãm Sở Châu.Bọn giặc Tống Giang vây hãm Hòai Dương Quân, lại xâm nhập Đông Kinh, Hà Bắc, tiến vào Hải Châu, Sở Châu...Đến tháng năm năm binh thân, Tống Giang bị cầm tù”
2-Tống Giang và đồng bọn thua trận  bỏ trốn.
Sách “Văn Định Tập” ghi :
Ông, (tức Trương Thúc Dạ), húy là Sư Tâm, tự là Dữ Đạo...đậu Tiến Sĩ năm Chính Hòa Bát niên, phong Công lang, Huyện Úy  Hải Châu, Thuật Dương. Tống Giang là tên cướp ở Hà Bắc, tung hòanh không ai dám kháng cự, rồi chuyển sang cướp Đông Kinh, Thuật Dương, Ông đem quân đánh bại Tống Giang trên bờ sông,  bọn Tống Giang phải chậy trốn .
3-Tống Giang và đồng bọn được chiêu an  
Sách “Đông Đô Sự Lược-Hầu Mông truyện” ghi:
Tống Giang cướp bóc vùng Đông Kinh, Hầu Mông dâng kế đánh:Tống Giang cùng với 36 người, hòanh hành vùng Hà Sóc, Đông Kinh, quan quân có đến mấy vạn, nhưng không ai dám khánh cự.Hắn tất có tài hơn người, chi bằng xá cho hắn rồi chiêu hàng, sai đi thảo phạt bọ giặc Phương Lập, bình định cái lọan ở phía đông nam đã.
Sách “Tục Tống Biên Tư Trị Thông Giám”  viết :
Tháng 12 năm Tuyên Hòa nhị niên, tức năm 1120, bọn cướp Tống Giang xâm phạm Hoài Dương cùng Kinh Tây, khi đến biên giới Hải Châu, bị Tri Châu Hải Châu là Trương Thúc Dạ, bầy mưu bắt được và xin đầy hàng.
4-Tống Giang và đồng bọn đầu hàng rồi bị giết
Sách “Di Kiên Chí-Sái Thị Lang” của Hồng Mại viết :
Năm Tuyên Hòa thất niên, Hộ Bộ Thị Lang là Sái Cư Hậu bị bệnh mụn giọt mọc ở sau lưng, được ít lâu thì chết, người vợ xúc động khóc chồng rằng : Thị Lang  trước  đây còn cầm quân ở Huy Thành,   có bọn cướp Lương Sơn Bạc năm trăm người, nhân xin đầu hàng, bị giết, ta mấy lần can không nghe...  
5-Tống Giang và đồng bọn đầu hàng, đi trấn áp cuộc nổi dậy của Phương Lạp.
Sách “Tam Triều Bắc Minh Hội Biên” chép:
Tuyên Hòa nhị niênPhương Lập làm phản ở Mục Châu, vây hãm các châu Ôn, Đài, Vụ, Hàngkhiến cho vùng nam bị chấn động, dùng Tuyên Phủ Sứ vùng  Giang, Chiết đem Lưu Diên Khánh, Lưu Thế Quang, Tống Giang cầm hơn hai chục vạn quân đi thảo phạt...
 (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét