Translate

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

ăn phở lại nhớ quê hương (Kỳ 2)

Nhớ MAI THẾ NGUYÊN (Oslo)
đã đi xa 2017    

Sau khi qua Na-uy định cư năm 1965 tôi đã mò mẫm kiếm ra cách nấu phở riêng của mình. Gia đình tôi có truyền thống đón tiếp nhiều bạn bè năm châu bốn biển về nhà ở khi họ sang đây công tác. Nhiều đời Đại sứ và cán bộ ta, một số nhạc sỹ Cuba, Đại sứ Lào cùng phu nhân, cán bộ Campuchia, bạn bè Na-uy v.v ai cũng được giới thiệu ăn phở, món quà căn bản nhất của những món ăn Việt nam. Cách ăn phở của mọi người rất phong phú. Người Châu Âu khi thấy phải ăn súp bằng đũa lúc đầu rất hoang mang. Anh bạn Cuba thì nhộn lắm, mỗi tay cầm một chiếc đũa bới bới tứ tung như kiểu đánh trống quen thuộc của anh, làm mọi người cười sặc mũi. Ông bà Đại sứ Lào thì lại xin thêm vài thìa đường để ăn theo cách của họ. Đặc biệt là ai nấy, từ trẻ em đến người lớn, đã dính vào phở đều mê nó cả. Tôi đã phổ biến cách nấu phở cho nhiều người. Có nhiều gia đình Na-uy ít nhất một tháng đòi ăn phở dăm lần!

Nhưng ngon và hợp khẩu vị đến mấy cũng chỉ là một mặt mà thôi. Chủ yếu còn là môi trường ăn phở nữa. Có nhiều nơi tuy thịt ngon hơn, tươi hơn nhưng theo tôi ăn phở không chỗ nào ngon bằng chính tại Hà nội.
Bên Tây, bên Tàu khi bạn vào tiệm phở bạn không được ngồi cạnh ông hàng nấu phở, không được chọn miếng thịt mình thèm, không được thấy ông ta thái thịt, không ngửi thấy mùi thơm của thùng nước xuýt...  Ngoài ra ít hàng có bánh phở tươi. Nói chung mất nửa vui của chuyến ăn phở.

Tôi nhớ thời thơ ấu có ông cậu rất sành ăn. Nơi nào có món gì hay hay đều biết cả. Nhưng đặc biệt cậu hay dẫn tôi đi ăn phở. Vừa trên xích lô xuống mùi thơm phưng phức của Phở Cầu gỗ đã đón mình. Sáng sớm hiu hiu còn lạnh nhưng nhìn khói phở nghi ngút thấy ấm cả lòng lên. Cậu tôi là khách quen nên ông chủ giữ riêng cho chỗ cạnh quầy phở của ông. Tôi còn bé, cậu tôi đặt tôi đứng lên ghế để nhòm xem ông hàng phở làm gì. Ông thoăn thoắt thái bánh phở và thịt. Tôi thật lo cho ông đứt tay. Lửa cháy bừng bừng, kêu lách tách. Nồi nước dùng sôi sùng sục. Ông nhanh nhẹn dúng bánh phở, sóc sóc vài lần cho ráo nước rồi đổ vào bát. Thêm vào thịt - nào mỡ gầu, nào sụn, nào gân - hành hoa, vài cọng mùi, rồi múc nước dùng tuới lên. Rắc rắc tí hạt tiêu trong ống tre ra rồi gọi ới lên: ”Bát 5 đồng của ông M. đây”. Tôi say mê đứng xem. Đặc biệt ông có một món cậu tôi thường dùng mà cho tới nay tôi chưa quên, và cũng chưa bao giờ đựơc ăn lại ở đâu cả. Đó là thịt đuôi bò gỡ ra, cuốn vào bánh phở tươi cùng với mấy cọng mùi và chấm nước mắm tương ớt. Chết thật, sao đơn sơ mà lại ngon đến thế! Một đặc điểm khác của Hà nội cũ là gánh phở rong. Nó gần gụi và thân mật vô cùng.
    Hồi chiến tranh chống Pháp có ông anh họ tôi đột xuất mở gánh phở gần Cầu Long Biên. Cả nhà hí hửng đến ăn mở hàng. Thú nhất là bọn nhoắt chúng tôi, được anh cho đứng thu tiền. Nhưng phở không phải nghề của anh. Nước nhạt tèo, bánh thái miếng to miếng nhỏ, thịt miếng mỏng miếng dày. Chẳng ra đâu vào đâu, hoàn toàn thất bại. Mãi sau này anh mới cho biết là anh được phái đi chủ yếu để làm tình báo cho Việt Minh. Ai có ngờ đâu là phở cũng được sử dụng làm một vũ khí cách mạng. Đặc biệt Việt nam!

    Thời chiến tranh chống Mỹ một vài lần về công tác ở Hà nội tôi mò đi ăn phở. Lúc đó vẫn còn bông phiếu đủ kiểu. Thiếu thốn mọi thứ. Thịt bò không có, chỉ có phở gà. Ngồi dưới tấm vải bạt che đầu, móc trên mấy mảnh tường đổ nát trong một ngõ nhỏ, cầm bát phở đơn giản hoá tối đa nhưng tôi vẫn hết sức xúc động. Thương đồng bào gian khổ biết bao nhưng vẫn anh dũng, bất khuất. Khách quan ra mà nói thì phở đó kém lắm. Nhưng trong hoàn cảnh và môi trường đó tôi lại thấy vinh dự và thú vị biết mấy. Phở đâm ra ngon.


     Những năm gần đây tôi có dịp dẫn nhiều đoàn bạn bè châu Âu đi thăm quan Việt nam. Ở khách sạn bạn đựơc chọn giữa món ăn điểm tâm Tây (bánh mỳ, bơ, pho-mát, mứt...) và phở. Lúc đầu đa số chọn ăn đồ Tây. Nhưng chỉ vài bữa sau những người ”nếm nhầm phải phở” đã thuyết phục các bạn khác. Rút cục không ai chịu ăn bánh mì buổi sáng nữa. Khi ra Hà nội tôi lại tấn công thêm một bước nữa: đưa bạn đi ăn phở vỉa hè. Ngồi trong căn nhà mái tôn lụp sụp cạnh đường tàu hoả chạy ngang qua Kim Liên, mấy ông Tây bà Đầm chuẩn bị thưởng thức món quà nổi tiếng này. Lúc đầu thấy vệ sinh “không hợp tiêu chuẩn”, bạn cũng hơi lo. Người lấy giấy lau đi lau lại đôi đũa, chiếc thìa, người đòi phải rửa lại cái cốc v.v. ăn xong bạn khen lấy khen để, quên cả cái nhà lụp sụp, bát đũa thiếu vệ sinh. Ngược lại ngày nào cũng đến ăn. Vừa ngon lại vừa rẻ.

Như các bạn đã thấy, Phở đã chiếm được trái tim của nhiều người trên thế giới. Chẳng phải tuyên truyền mà vẫn dễ nuốt.

Non có thể tan, nuớc có thể cạn nhưng phở ta vẫn luôn luôn tồn tại. Đâu có người Việt nam là sẽ có phở. Vì đó là món quà căn bản nhất của Việt nam!


Oslo, 1998

https://scontent-b-lax.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/v/t1.0-9/p180x540/10850066_586446911501760_9057203852755628679_n.jpg?oh=042a96161262410f29765e2558784fca&oe=553F7B49

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét