Translate

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Singapore 92 năm trước (1922)




4 giờ sáng ngày 15 Mars, tàu dời bến Sài Gòn chạy về Singapore (Tân Gia Ba). Tự Sài Gòn ra đến bể có sáu chục cây-lô-mét tàu đi khúc khuỷu theo con sông Sài Gòn; đến 8 giờ sáng thì vừa tới Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), địa thế chỗ này cũng hiểm trở và cảnh trí cũng ngoạn mục: hai bên núi bao bọc như cái tay ngai, giữa một cái vũng to, nước nửa xanh, nửa đỏ, nước đỏ là nước sông chảy ra, nước xanh là nước bể dồn vào; ngoài xa là bể khơi man mác. Trên núi trông xa xa thấy những nhà lầu trắng xoá ở giữa đám cây xanh um tùm: đó là nhà biệt thự (villas) của các quý quan mùa nóng ra nghỉ mát, vì nơi Vũng Tàu này chính là một sở nghỉ hè như Đồ Sơn, Sầm Sơn ở Bắc Kỳ vậy. Trong Nam Kỳ nói đi chơi “Ô Cấp” (Au Cap) cũng là một cách phong lưu lịch sự như ngoài Bắc nói đi tắm Đồ Sơn vậy.
Ô Cấp không những là một nơi nghỉ chơi, lại là một cái chiến cảng để giữ cửa Sài Gòn và cả miền hải phận Nam Kỳ, và là nơi sở tại của một quan đại lý thuộc về tỉnh Bà Rịa. Nên ngoài những nhà mát của các quý quan, lại còn những toà sở khác nhiều lắm, và thường khi có tàu chiến đậu. Đi ngoài trông vào, không khác gì một nơi tỉnh thành lớn.
Tự Sài Gòn ra Tân Gia Ba có đi ngang qua quần đảo Côn Lôn (Poulo Condore) nhưng đi tận ngoài xa, không trông rõ.
Mới ở Vũng Tàu ra, bể hơi có sóng gió, lại say sóng mất quá nửa ngày nữa, nhưng ra quá bên ngoài thời yên ngay, và cho đến tận Singapore đều được bình tĩnh như thường.
8 giờ sáng ngày 17 Mars, tàu tới Singapore. Đáng lẽ tới từ 4 giờ đêm, vì tự Sài Gòn đến Singapore đi có hai ngày tròn, nhưng nghe đâu người Anh có lệ không cho tàu ngoại quốc xuất nhập đương đêm. Cho nên tàu đến trước cửaSingapore tự nửa đêm mà còn phải đậu ở ngoài xa, đến sáng rõ mới quay mũi vào bến.
Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng, như một bức tranh sơn thủy vậy. Lần này mới được trông thấy một nơi hải cảng là lần thứ nhất, thật là một cái cảnh tượng to tát. Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều. Bến liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể, tàu của khắp các nước đi tự Á Đông sang Ấn Độ và Âu Tây đều phải qua đấy.
Cửa Singapore này là đặt ở trên một cái đảo ở cuối bán đảo Malacca, ngay đầu eo bể Malacca, địa thế thật là tiện lợi cho đường buôn bán, và cũng tiện lợi cho sự quân bị. Người Anh ở Á Đông, phía trên giữ được cửa Hồng Kông (Hương Cảng), phía dưới giữ cửa Singapore, thật là chiếm được hai nơi then chốt ở cõi Á Đông này, địa thế hiểm yếu không đâu bằng. Mà hai nơi ấy trước kia là hai cái đảo nhỏ cùng tịch, bỏ hoang không ai đi đến bao giờ; nhất đán vào tay người Anh kinh doanh trong mấy chục năm, trở nên hai nơi hải cảng và thương phụ nhất nhì trong thế giới: cái nghị lực của giống người Anh cũng khả kinh vậy.
Bây giờ bao nhiêu tàu bể của các nước đi qua lại bên Á Đông này, tất phải do qua hai cửa Singapore và Hồng Kông; hai cửa ấy lại theo cái chế độ “tự do mậu dịch” của nước Anh, đồ hàng hoá các nước đem vào không phải thuế thương chánh, nên cái phong trào buôn bán thật là có vẻ phồn thịnh hơn các cửa bể khác nhiều.
Trước khi tàu ghé bến, phải đợi cho quan thầy thuốc Anh xuống khám xem hành khách có ai mắc bệnh truyền nhiễm không. Đến khi tới nơi, hành khách chưa được xuống vội, phải đợi cho quan cảnh sát lên khám giấy thông hành. Trong khi chiến tranh thì ai muốn xuống bến cũng phải trình giấy thông hành cả, nhưng bây giờ thì chỉ người nào đỗ hẳn ở Singapore mới phải trình giấy mà thôi; còn các hành khách khác xuống chơi vài ba bốn giờ rồi lại về tàu thời được tự do đi lại; lệ có khoan hơn trước nhiều.
Trên bến thấy mấy viên quan cảnh sát Anh và lính cảnh sát toàn là người Mã Lai và người Ấn Độ cả. Còn những phu chở hàng và mang đồ hành lý thì phần nhiều là người Tàu và người Mã Lai.
Vào đến trong phố thời nghiễm nhiên là một nơi đô hội của người Tàu, chẳng kém gì thành phố Chợ Lớn. Phố xá đông đúc, san sát những hiệu Khách cả, có mấy dãy phố toàn những nhà tửu lâu khách sạn, ngày đêm tấp nập những khách ăn chơi, người đi lại. Đi lại trong phố phường, có xe kéo và xe hơi, xe kéo người Khách kéo, xe hơi người Khách cầm máy. Đại để, công việc gì cũng là người Khách làm cả, từ bán cháo rong cho đến làm chủ hiệu, tựa hồ như người Anh mở mang đất này riêng cho người Tàu đến sinh lý, còn thổ dân là giống Mã Lai thời bị khu trục ra ngoài cái sinh hoạt giới tuyến vậy. Coi đó cũng đủ biết cái nghị lực của người Tàu, kể không kém gì người Anh vậy. Người Anh có cái tài sáng tạo kinh doanh, người Tàu có cái sức thừa hành lao động, người Anh là cái óc sắp đặt, người Tàu là cái tay làm lụng, hễ đâu có hai giống người ấy tất là nơi sinh hoạt phồn thịnh.
Singapore có thể chia ra hai phần: một phần là phố Khách, một phần là phố Tây; phố Tây cũng sầm uất bằng phố Khách mà lại có cái vẻ nguy nga hơn. Phố Tây ở Singapore này có khác phố Tây ở các nơi khác, nhất là khác các phố Tây của người Pháp ở, như trong các thành phố ta; người Pháp ở đâu thì những nhà lầu to lớn phần nhiều là các dinh thự công sở của Nhà nước; người Anh ở đâu thì những nhà lầu to lớn là các cửa hàng, các hội buôn, các công ty, các ngân hàng. Những hãng buôn của người Anh ở Singapore thật là những lâu đài vĩ đại, có khi chiếm từng dãy phố dài.
Ngoài các phố phường buôn bán, đến những nơi nhà ở riêng, làm theo lối “biệt thự” (villas) của người Anh, nhà xây ở chỗ đất cao, chung quanh vườn rộng, xe hơi chạy lùng khắp được. Những nhà ấy phần nhiều của người Anh, nhưng cũng có nhà của các chủ hiệu Khách lớn; ban ngày xuống phố làm việc, chiều tối về nhà riêng nghỉ.
Xe hơi ở Singapore, thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat đã lấy làm nhiều, nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore đường phố nào cũng như đường Catinat hết thảy.
Ở trên tàu xuống, anh em đi dạo qua mấy phố gần bến, mỗi người đổi mấy đồng bạc Đông Pháp lấy tiền Singapoređể tiêu dùng cho dễ. Bạc Đông Pháp, nhất là bạc đồng, ở đây chuộng lắm; mỗi đồng bạc của ta, trừ tiền cáp còn được một đồng năm xu bạc Singapore; coi đó thời biết rằng bạc ta có giá trị, vì lệ thường đem tiền mình đi dùng ở xứ khác, chỉ có thiệt, không có lợi bao giờ.
Đi chơi vừa đến trưa, không trở về tàu ăn cơm, rủ nhau vào một hiệu cao lâu Khách, gọi là Shanghai Hôtel; cách bày biện tiếp đãi ở trong các cao lâu khách đây có ý lịch sự hơn các cao lâu ở Chợ Lớn nhiều. Khách trong cao lâu là người Quảng Đông cả; nhân trong bọn chúng tôi có quan tuần Vi thông tiếng Quảng Đông, nên nói năng giao thiệp cũng dễ. Người Khách không biết chúng tôi là người An Nam, vì trước khi xuống bến anh em đã nhất luật cải Âu phục cả. Họ hỏi có phải là khách Thượng Hải mới ở Mỹ về không. Chúng tôi cũng đáp rằng phải, và hiện nay đi du lịch sang nước Pháp. Coi đó thời biết rằng người Tàu hễ khác tỉnh thời không nhận biết được nhau nữa, vì ngôn ngữ bất đồng, người Quảng Đông với người Thượng Hải đối nhau cũng bớ ngớ như người khác nước vậy.
Người Khách ở Singapore chỉ có người Quảng Đông buôn bán to và người Phúc Kiến, Triều Châu làm các nghề nghiệp nhỏ; còn người Thượng Hải ít lắm; cho nên trong khi đi dạo chơi các phố Khách, người Khách nào cũng cho bọn chúng tôi là người Thượng Hải.
Ăn cơm xong, anh em thuê hai cái xe hơi để đi dạo quanh khắp tỉnh thành một lượt trước khi tàu chạy. Xe hơi chạy thuê ở đây nhiều và rẻ lắm: ở các đầu phố thường đỗ hàng chục cái, giá thuê giờ thứ nhất là ba đồng, giờ thứ nhì hai đồng, đi hai giờ thời chạy vòng quanh được thành phố Singapore một lượt, đi tự dưới bến, qua các phố Khách phố Tây, men các đồi cao su ở sau bến, vào xem vườn hoa, rồi lại quay về bến, vừa đúng ba giờ, xuống tàu nghỉ chơi một lúc thời tàu chạy.
 
Trích "Pháp du hành trình nhật ký" (Phạm Quỳnh)
xem thêm : http://vi.wikipedia.org/wiki/Singapore 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét