Translate

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

ĐÊM GIÓ BOSTON



TRẦN THỊ KIM LAN



- Má ơi con không ngủ được "Con đâu có tính khóc mà nước mắt cứ chảy ra. Con nhớ Việt Nam quá. Con muốn làm người Việt. Ở đây mãi thành Mỹ mất!"
- Má ơi, má còn thức phải không?
- Ừ, ngủ đi con, mai còn đi học.
- Cho con qua phòng má nói chuyện chút nghe má? Đêm nay con không ngủ được má à.
- Thôi đi cậu, mới mười ba mười bốn tuổi bày đặt ngủ không được.
- Nghe má.
- Ừ, qua đi. ...
- Má!
- Gì con?
- Đêm nay gió quá!
- Ừ, gió Boston. Ngày trước khi đến đây học, vào mùa đông, đêm nằm nghe gió rít bên ngoài má sợ lắm.
- Nghe nó sao sao trong bụng mình má à.
- Má biết. Đó là cái cảm giác cô độc, thấy mình bị từ bỏ giữa muôn người, nghe mình nhỏ bé, bất lực trước thiên nhiên. Ngày rời Việt Nam trở qua đây, nhớ đến gió Boston má rùng mình.
- Đêm nay má sợ không?
- Không.
- Sao má chì vậy?
- Má tập.
- Tập sao má?
- Đổi cách suy nghĩ. Má nghĩ gió ngoài kia không làm gì mình cả. Mình ở trong nhà ấm áp, vậy là tốt rồi. Sợ nhiều thứ quá khó sống con à. Gió làm con không ngủ được phải không? Con định nói gì với má?
- Dạ chuyện học. Con muốn học thiệt giỏi. Giỏi hơn hết tụi nó. Giỏi tất cả mọi môn, luôn cả thể thao, âm nhạc. Như vậy người ta mới respect (tôn trọng) mình.
- Có tài thì được nể. Cái đó đúng. Má thấy con chăm học là được rồi. Tại sao phải lo cho vượt trội hơn bạn bè về mọi mặt. Mỗi người có một tài riêng con ạ.
- Má không biết. Tụi Mỹ nó kỳ lắm. Ở trường con thằng giỏi bắt thằng dở hầu hạ. Có một thằng thiệt giỏi bắt thằng Mark bạn con ôm sách cho nó từ lớp này qua lớp khác. Nó hất mặt bảo con cầm áo của nó, con ngó lơ bỏ đi, nó xúi tụi kia không chơi với con. Lúc chia nhóm học chung, con nín thở chờ, nhưng con biết không nhóm nào nhận con vô cả. Tụi nó không có trái tim má à. - Ấy chết, con đừng nói vậy. Con người ai cũng có tình cảm con à. Trẻ con chưa biết nhiều, đôi lúc ác. Con không nhớ hai anh em Jimmy để dành tiền cả năm để trả chi phí cho con đi chơi Disney World sao?
- Má không biết đâu má. Thằng Jimmy nó hiểu con, còn tụi này phải thắng nó mới phục, phải chửi thề thật bạo nó mới cho mình nhập bọn, nếu không mình đi đến đâu là chúng nó lảng lảng bỏ đi. Phần thì con không biết nói những chuyện tụi nó thích nghe như chuyện thể thao, ai đấu với ai, ai thua ai thắng, tại sao thắng. Còn chuyện sex thì tụi nó chê con là baby (con nít).
- Đến một chỗ lạ, thời gian đầu có khi phải chịu khổ như vậy con à. Dần dần mình mới biết cách đối phó. Để má vào trường con nói chuyện với cô giáo con về vụ chia nhóm.
- Thôi đừng, má. Tụi nó trả thù.
- Con an tâm. Để má lo. Con buồn lắm phải không?
- Không phải chỉ chuyện đó. Con nghĩ nhiều chuyện khác. Con kỳ lắm, má không hiểu nổi đâu.
- Con thử nói xem má hiểu không? Má hứa sẽ ráng hiểu.
- Con nghĩ tại sao con ở đây? Con là Mỹ hay là Việt? Ở trường thầy bảo phải tough (cứng rắn), không để ai hiếp đáp. Về nhà má dạy phải nhường nhịn. Nhiều lúc chỉ cần chửi thề lại với tụi nó là xong. Má dặn không được chửi thề. Con nhịn, về nhà đấm tay vào tường cho đỡ tức. Cả nước Mỹ đều chửi thề. Thầy con chửi thề. Sinh viên MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts) chửi thề. Sao má cấm con? Con đâu có ham chửi. Nhưng mình làm thinh những lúc như thế không giống ai hết.
- Con không thích thì làm giống người ta làm gì? Chửi nghe kỳ quá con à. Có nhiều người không cần phải chửi thề mà có sao đâu.
- Má không biết. Khó nói quá.
- Ừ thì má không biết. Nhưng má cho con biết ý má. Trước giờ con cũng tin má nhiều điều. Con suy nghĩ ý con đi, rồi tùy lúc mà đối phó. Con còn lo gì nữa?
- Con nghĩ tại sao có con người? Học cho nhiều rồi chết, uổng công quá! Sống rồi chết, chẳng ra làm sao cả. It... It doesn't make sense, you know (Nó chẳng có nghĩa gì cả, má biết không). Xin lỗi má, má không cho nói tiếng Anh mà nó cứ vọt ra hoài. Con nói với má con kỳ lắm. Không biết con có sao không má?
- Con không sao cả. Có lẽ do hoàn cảnh riêng của mẹ con mình mà con ít vô tư hơn những đứa trẻ khác. Nhưng có thể mỗi đêm cũng có nhiều đứa trẻ, nhiều người lớn đều tự hỏi những câu như con hỏi: Ta là ai? Tại sao có sự sống, sự chết?
- Really? (Thật vậy hả má) Vậy là con không sao hả má? Thế mà con cứ tưởng một mình con nghĩ ra điều đó!
- Hồi còn nhỏ, trong đầu má lúc nào cũng có những câu hỏi tương tự. Má lại không có ai để nói, và cũng không dám nói với người lớn như con đang nói chuyện tự do với má như thế này, nên má cứ băn khoăn mãi. Cho đến khi, có một lần má đi một mình từ Pháp sang Ý bằng xe lửa. Xe lăn trên đường sắt rì rầm trong đêm. Má nhìn ra bên ngoài, trời tối om, khó khăn lắm mới thấy những ngôi nhà xa xa mờ ảo. Má chỉ mường tượng hai bên đường là những cánh đồng hoang, vì trong không khí thoang thoảng có mùi đất khô và cỏ úa. Má nhìn chung quanh, hành khách gật gù say ngủ. Nhìn thật kỹ những khuôn mặt hoàn toàn xa lạ. Xe lắc mạnh, một người giật mình, sửa bộ ngồi ngay ngắn. Má thèm gợi chuyện, hỏi ông ấy vài câu. Hỏi bằng hai thứ tiếng, ông ta đều lắc đầu. Má không biết tiếng nào khác hơn, đành ngồi im. Ông ta nhắm mắt lại ngủ tiếp. Má còn một mình, lại nhìn ra ngoài. Trời tối đen không một ánh sao. Bên trong, dưới ánh đèn mờ, những con người kia không biết má là ai. Trong một thoáng giây, má bỗng chợt thấy một chữ "không" to lớn hiện ra trong tâm trí, rồi chữ "nothingness", rồi chữ "néant". Giá mà má biết nhiều thứ tiếng thì sẽ còn nhiều chữ đồng nghĩa tiếp tục xuất hiện. Lúc đó má chợt hiểu: Ta không là ai cả khi không còn một liên hệ với người khác. Ta không là gì cả khi không một ai biết đến ta. Từ đó má không còn thắc mắc. Má chỉ cố hết sức trong khả năng mình gìn giữ tình liên hệ với bất cứ ai quen biết, trừ khi vì lý do nào đó má bị phủ nhận.
- "Phủ nhận" tiếng Anh là gì má?
- Ở đây má muốn dùng cả hai chữ "refuse" và "reject".
- Má nói tiếng Việt hay quá!
- Không đâu con. Má nói thường lắm. Nếu con nghe hay là vì tiếng Việt mình hay, má không biết nói sao cho dở được. Con khen mà có hiểu gì không?
- Dạ hiểu chút chút. Má nói nếu không ai biết mình thì mình buồn vì không có ai nói chuyện. Má thường dặn con phải hiểu bạn và giúp bạn hiểu mình, đừng để mất bạn.
- Con hiểu cũng kha khá. Má muốn khi nào con tự hỏi câu "Ta là ai?" thì con trả lời con là con của má, là học trò của thầy con, là bạn của bạn con, là người hàng xóm của hai ông bà bên cạnh... Tạm bằng lòng như vậy cho đến khi con lớn lên, con tìm được một câu trả lời nào thỏa đáng hơn. Con chịu không? Má chỉ biết có chừng đó.
- Dạ chịu, nhưng mà như vậy cũng còn buồn. Má không biết chứ đêm lễ Độc lập ở đây người ta đốt pháo con nghe khổ khổ trong bụng, suốt đêm không ngủ. Con đâu có tính khóc mà nước mắt cứ chảy ra. Con nhớ Việt Nam quá. Con muốn làm người Việt. Ở đây mãi thành Mỹ mất!
- Con muốn làm người thuần Việt Nam như ông bà mình thì phải về Việt Nam sống. Điều đó chưa thực hiện được. Má đã giải thích với con nhiều lần rồi. Con muốn làm người Việt Nam để làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam? Chuyện đó ở đâu làm cũng được. Con muốn làm người Việt Nam để phục vụ dân tộc con? Người Việt mình bây giờ đang ở nhiều nơi trên thế giới. Con có cả cuộc đời để phục vụ nếu con muốn. Con không bao giờ thành Mỹ cả. Con là người Việt chịu ảnh hưởng hai nền văn hóa. Má và bạn bè của má sẽ giúp con hiểu về văn hóa của xứ con. Cái chính là con phải biết lựa chọn cái hay của hai nước để học hỏi.
- Con hiểu rồi. Má nói cái đó hoài. Má nói như giảng bài trong lớp. Con chỉ muốn nói là con thấy thiếu thốn cái gì mà không nói được. Những lúc má đi vắng, nhà im lặng quá. Chung quanh người ta đóng cửa không thấy ai cả. Con nhớ chỗ mình ở hồi đó trên đường Yên Đổ lâu lâu nghe hàng xóm cãi lộn rồi làm lành với nhau cũng vui vui. Với lại người lớn ở Việt Nam thương con nít lắm. Ở đây họ khác. Má dẫn con đến nhà ai người ta cũng chỉ nói: "Hi, con. Sao mập vậy? Sao ốm vậy?" rồi thôi. Họ lo nói chuyện mua bán nhà, mua đồ sale, quần áo, máy móc... Còn thêm cái nạn mấy đứa Việt Nam ở đây trước, thấy mình chưa biết gì khinh khinh, chơi sao được mà má biểu chơi? Con muốn về Việt Nam vui hơn.
- Má biết con buồn lắm. Ở Việt Nam con là điểm sáng của gia đình. Con là một đứa bé có tình, dễ thương, hiền hậu. Con có đầy đủ tình thương trong gia đình ngoài hàng xóm. Rồi bỗng dưng không còn gì cả. Ở đây con chỉ có một mình má. Má không thay thế được hết tất cả mọi người. Con cũng không nên thắc mắc về những người bạn nhỏ. Những gì con đã trải qua các bạn đó không được biết. Gặp con họ cũng lúng túng khổ sở như con vậy. Con ở lâu sẽ hiểu bạn con hơn. Má thương con, thấy con thui thủi một mình mà xót xa. Nhưng mà con à, dù sao con cũng còn có má. Học trò của má nhiều đứa không có được một người thân. Mỗi lớp đều có vài ba đứa không nhìn thấy má là cô giáo, chỉ thấy má là người mẹ, gọi má là "mother" trong giờ học. Chúng nó than với má đủ chứng sổ mũi, nhức răng, chiêm bao, ác mộng. Có đứa đã bỏ học đi bụi đời mà tình cờ gặp lại má vẫn gọi bằng "má" một cách chân thành, trách má không đem về trông nom mới thành hư hỏng. Trong hoàn cảnh này phải bằng lòng với cái gì mình đang có. Con không nên quá tủi thân.
- Tội nghiệp mấy bạn đó quá má há. Hôm đến ngủ với con, anh Hùng nói: "Em chịu khó chỉ anh học đi, mai mốt anh giỏi anh vô trường giúp lại mấy thằng dở". Ảnh người lai mà giống Mỹ quá, mấy thằng bạn con tưởng ảnh Mỹ thiệt nói tiếng Mỹ lia lịa, làm ảnh ú ớ thấy thương lắm. Con phải cứu ảnh.
- Mười sáu tuổi mới bắt đầu đến trường lần thứ nhất đó con. Lúc này cậu ta viết được cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
- Ảnh chịu khó lắm. Con thấy một chữ mà ảnh viết đi viết lại mấy trang giấy. Má à, con thấy học cực quá rồi cũng chẳng ra gì cả.
- Con nói vậy nghĩa là sao? - Mỗi ngày trên đường đi học về, con thấy nhiều người đàn ông mặc đồ lớn, thắt càvạt, xách cặp da, đứng ngồi trong xe buýt, trông họ nản lắm. Con thấy đàn bà áo quần thiệt đẹp mà phấn son trôi hết, mắt lim dim mệt mỏi. Không thấy ai vui, ai cũng có vẻ lo lắng ráng chịu, chen chúc trong xe. Rồi con lớn lên, học đại học xong, đi làm như họ, cũng mệt mỏi chán chường như họ, con không muốn! Đến nước Mỹ để cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?
- Con còn nhỏ con chưa biết. "Chỉ có vậy thôi" mà biết bao nhiêu người ở xứ này không làm nổi. Con đã nhiều lần chỉ cho má những kẻ không nhà nằm la liệt trong công viên, trên đường phố, đến bữa ăn xếp từng hàng dài đi lãnh phần ăn miễn phí, con nhớ không?
- Dạ nhớ. Họ ngồi quanh thư viện ở Copley đông lắm má. Ngày nào con cũng gặp. Họ xin tiền con hoài. Có nhiều người còn trẻ quá mà sao vậy hả má?
- Vì hoàn cảnh thế nào đó mình không thể biết được. Nhưng có thể cũng có những người nghĩ như con; cuộc đời "chỉ có vậy" thôi thì cố gắng làm gì.
- You got me, mom. - Không, má không có ý muốn "thắng" con. Má chỉ muốn cho con thấy hai con đường lựa chọn đó. Thật ra còn nhiều con đường nữa. Má không biết hết. Má chỉ nói với con điều má biết. Con có thể bỏ học ngày mai rồi đi làm cũng được. Con đi làm thuê lặt vặt. Con học hỏi ngay trong cuộc đời. Người Việt mình gọi là trường đời. Nhưng cái trường đời của nước Mỹ này nó đầy dẫy những chông gai cạm bẫy, thằng con cưng của má mà lọt vô đó thì má hồi hộp từng giây.
- Boom? Lọt vô cái rầm. You're dead! Hì hì!
- Chết. Coi như chết trước mắt. Guarantee.
- Thôi để con đi học bảo đảm hơn nghe má.
- Con thấy học có thú không?
- Sure. Biết nhiều cái đã lắm.
- Chọn một việc làm thích hợp với mình cũng "đã" lắm. Con phải có kiến thức căn bản để chọn ngành nghề. Chọn đúng rồi con cứ thế mà vui.
- Dạ con muốn làm cái gì vui vui. Đời má thấy buồn quá. Cứ làm hoài. Má có biết má là workaholic không? Má ghiền làm việc như người ta ghiền rượu. Má phải enjoy life chứ. "Enjoy" tiếng Việt là gì má?
- Là "vui hưởng". Má không được giáo dục phải vui hưởng cuộc đời con ạ. Có lẽ vì thế mà thành thói quen. Với lại con muốn có một người mẹ bận rộn say sưa với công việc hay một người mẹ buồn rầu than vãn về những khó khăn trong đời sống?
- Con biết rồi. Nhưng má không còn nói chuyện với con như hồi ở Việt Nam nữa. Nhiều khi con không biết má còn thương con không. Má còn thương con không má?
- Sao con hỏi kỳ vậy? Ở đây có nhiều chuyện để lo quá con à.
- Có khi má giống người ở đâu đâu...
- Thôi khuya rồi, đi ngủ đi con.
- Con đói bụng. Hồi chiều con còn ớn bữa ăn trưa không muốn ăn cơm.
- Bữa nay trường cho con ăn gì?
- Shit on the bread.
- Món gì ghê vậy?
- Món thịt bằm giống như cái người ta tiêu chảy chế lên bánh mì.
- Chắc là món sloppy joe. Thức ăn đừng nói vậy không nên con.
- Con đâu có nói. Thầy con nói. Thầy con nói hồi ở trong quân đội thầy con nghe lính nói: Phải công nhận đồ ăn Mỹ dở thiệt! Con nhớ phở Pasteur, bún ốc chợ Tân Định, nem nướng chợ Phú Nhuận. Bây giờ có sẵn cuốn chấm tương, yummy! yummy! Đã má há! Con thèm quá. Má à, chắc không có ai thèm hamburger như mình thèm nem nướng đâu há má?
- Có con à. Bạn má là dì Teresa của con mỗi lần ở Ý về Mỹ là tìm đến McDonald's ngay. Có lần Teresa nói với má: "Trang à, mình hiểu Trang lắm. Món ăn của Ý dù sao cũng không khác món Mỹ cho lắm, thế mà có lúc mình thèm một cái hamburger trong không khí tiệm ăn McDonald's hay Burger King. Thèm lắm, thèm ứa nước mắt, thèm đến run người. Cùng một món ăn đó mà không có ở đâu giống ở xứ mình phải không Trang?". Con thấy không, món ăn mà con chê, con cười chính là một phần hương vị quê hương của người Mỹ.
- Mom Laura của con cũng kể cho con nghe một chuyện như vậy mà con quên. Mom nói ở Ấn Độ rất nghèo. Mom biết là số tiền mua một cái hamburger và một ly cà phê ở nhà hàng bên đó có thể nuôi sống cả gia đình mà mom quen biết một vài ngày. Thế mà đôi lúc mom vẫn cứ ra phố để mua cho được.
- Đó, con thấy chưa? Con không nên chê bai, khe khắt, cay nghiệt với những gì của người khác không giống của mình, nhất là con chưa có dịp thưởng thức những món ngon nấu nướng rất công phu của nhiều gia đình Mỹ.
- Dạ có, con có ăn turkey dinner ở nhà dì Kathy. Con thích lắm.
- Thôi con với má xuống bếp ăn cereal đỡ đi. Mai má dậy sớm nấu phở con ăn rồi đi học.
- Cereal này giống như cỏ khô ngâm trong sữa. Kệ, ăn đại, chết bỏ. Sao má mua loại này chi vậy?
- Mình còn nhà quê, phải thử cho biết để lựa chọn con à.
- Ở Mỹ biết chừng nào hết nhà quê. Sao bữa nay má cho con thức khuya vậy?
- Con ngủ không được má ép cũng vô ích. Với lại lúc này hai mẹ con đều bận không có dịp nói chuyện với nhau. Con nghĩ gì phải nói cho má biết để má giúp con. Đừng lo liệu một mình nhiều khi...
- Get stuck. - Ừ, má muốn dùng chữ "bế tắc" mà sợ chữ đó lạ đối với con, chưa kịp nghĩ ra chữ nào đơn giản hơn thì con đã biết.
- Thông minh mà!
- Thôi được rồi cậu. Ăn nhanh, đánh răng, đi ngủ liền bây giờ.
- Má đưa con đi ngủ.
- Không. Con đưa má. Con lớn rồi. Bể tiếng ồ ồ, râu mọc li ti còn đòi má đưa đi ngủ.
- Con đâu biết. Lúc má nói lớn rồi, con phải làm cái này, phải làm cái nọ. Lúc má nói còn nhỏ lắm chưa được làm điều này, chưa được làm điều kia. Ha! I got you!
- Tại con đang ở cái tuổi vừa là người lớn vừa là con nít. Buồn đó rồi vui đó. Mới vừa thắc mắc về cuộc đời xong lại than đói bụng.
- Thôi má ngủ ngon nhé. Để con ếm mền vô giường cho má khỏi té như con. Nhớ đừng thức dậy giữa đêm rồi làm thơ "Tôi ngồi trong bóng đêm. Ôm trái tim mềm mại" nữa nghe!
- Việt đi ngủ!
- Má!
- Gì nữa?
- Con thương má lắm!
- Cám ơn con. Đi ngủ đi!
- Má!
- Việt, má sắp sửa hét con rồi đó!
- Má nghe bên ngoài kìa!
- Gì?
- Không còn gió nữa.
- Ừ, tự nó nổi lên rồi tự nó yên. Thiên nhiên mà. Má bây giờ nghe gió chỉ để dạy học trò tả cảnh thôi con ạ.
- Má tough quá!
- Không đâu con. Tuổi già xúc cảm cũng đổi theo.
- Má! Con cấm má nói "tuổi già". Má qua đây bắt chước Mỹ sợ già. Con không thấy má già. Má không bao giờ già. Má không bao giờ chết.
- Con cãi má riết má chết. Đi ngủ đi!
- Má, một câu nữa thôi, ok?
- Ừ.
- Cám ơn má nói chuyện với con. Cho con hôn má một cái. Cần gì nhớ gọi con, nhất là đừng sợ gió. Con biết má còn sợ chút xíu phải không? Đêm nào có gió to là con thấy phòng má đèn sáng rất khuya. Trong bóng tối người mẹ nằm yên nghe ngóng: không có tiếng gió, chỉ có tiếng thở đều trong giấc ngủ say. Bà thở ra nhè nhẹ cảm nghe một chút an lòng. Bà đã không đáp lời con vì những cơn gió dữ về đêm vẫn còn gợi lên trong lòng bà niềm xót thương thân phận. Nhưng điều đó đã trở thành thứ yếu. Nỗi băn khoăn to lớn của bà bây giờ là tiếng lăn trở thao thức, tiếng rên khe khẽ thoát ra từ trái tim non nớt cô đơn của đứa con đang muốn tìm thấy nó giữa muôn người dị chủng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét