Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2010)
và Quốc khánh 2 – 9(2/9/1945 – 2/9/2010)
Sắp tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long cũng sẽ được tổ chức trọng thể tại
Hà Nội, xin đăng lại một sự kiện đã sảy ra trong những ngày đầu Cách
mạng Tháng Tám để các bạn trẻ ngày nay được biết.
Ngày
2-9-1945, Chính phủ lâm thời cách mạng chính thức làm lễ ra mắt quốc
dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chấm dứt chế
độ thực dân đô hộ hơn 80 năm. Nhưng đằng sau thắng lợi to lớn lẫy lừng
ấy là những khó khăn ghê gớm đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của đất
nước và chính quyền nhân dân. Thiên tai và địch họa dồn dập đã tàn phá
đất nước đến kiệt quệ, cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng đồng bào. Ngoại
viện không có. Trong nước mất mùa, lụt lội. Kho bạc quốc gia không bằng
tài sản của một thương gia. Giặc ngoại xâm và nạn nội phản đang lăm le
thôn tính, thoán nghịch.
Trong
hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ấy, uy tín Cụ Hồ và Mặt trận dân tộc thống
nhất đoàn kết xung quanh Đảng ta đã làm nên điều kỳ diệu mà không có
một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nào có được: hai bàn tay trắng giành
và giữ chính quyền, kháng chiến và kiến quốc thành công. Điều kỳ diệu
ấy bắt nguồn từ chính quan điểm cách mạng đúng đắn mà Đảng ta và Bác Hồ
đã áp dụng: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Ngày
4-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành lệnh mở cuộc lạc quyên ủng hộ
Quỹ độc lập để huy động nguồn tài chính và cơ sở vật chất trong quần
chúng nhân dân cả nước. Hơn ai hết, phụ nữ là người tỏ ra hăng hái đi
đầu trong cuộc vận động này. Phụ nữ là người chịu đựng gian khổ và bất
công nhất trong chế độ thực dân và phong kiến. Do đó, cuộc Cách Mạng
Tháng Tám ngoài ý nghĩa là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nó còn có ý
nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ khỏi ách thống trị phong kiến
kéo dài suốt mấy ngàn năm qua.
Phong
trào ủng hộ Quỹ độc lập lan ra nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ khắp
trong mọi giới, mọi lưa tuổi. “Tuần lễ Vàng” được mở ra để khích lệ và
tạo thêm điều kiện cho những người có của tham gia công sức của mình
vào sự nghiệp củng cố và xây dựng đất nước. Ngày 17-9-1945, Nhà hát lớn
thủ đô lại một lần nữa chứng kiến tinh thần hăng hái cách mạng sôi nổi
của đồng bào Hà Nội nô nức đem vàng đến đóng góp. Trong dòng người tấp
nập ấy, phụ nữ là đa số. trong chiếc đỉnh đồng lấp lánh vô số nào dây
chuyền, nào nhãn cưới, nào vòng, nào xuyến, nào hoa tai chen chúc với
những nén vàng ròng óng ánh.
Thời
gian này, tuy Chính phủ chưa có hình thức tặng thưởng, nhưng là người
có nghệ thuật tập hợp và động viên lực lượng quần chúng kịp thời, Bác
Hồ đã hứa sẽ chụp ảnh chung và tặng huy chương cho người nào ủng hộ
nhiều vàng nhất trong Tuần lễ Vàng. Thế là các gia đình giàu có chờ đến
giờ chót mới mang vàng đến, mong nhận được tấm huy chương đầy ý nghĩa
ấy và tỏ rõ lòng yêu nước của mình.
|
Hiệu Lợi Quyền 27 Hàng Ngang |
Và
cuối cùng, người được nhận vinh dự đó là bà Vương Thị Lai tức Lợi
Quyền, nhà số 27 phố Hàng Ngang. Bà đã cúng vào Quỹ độc lập trong Tuần
lễ Vàng 109 lạng. Ngày 10-11-1945, Hội Phụ nữ đã tổ chức “Ngày phụ nữ
ủng hộ Nam bộ kháng chiến”, Bác Hồ đã đến dự và mang theo tấm huy
chương bằng vàng hình ngôi sao năm cánh, giữa có chữ V.M. Trong bầu
không khí hân hoan và trang trọng, Bác đã tự tay gắn huy chương cho bà
Vương Thị Lai. Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh
tặng cho một công dân của nước Việt Nam mới, một phụ nữ ái quốc. đó
cũng là tấm huy chương độc nhất vô nhị, vì lẽ tấm huy chương đó là món
quà của một Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi về biếu Bác. Người nói:
“Với tấm huy chương này, bà Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng
hái và hy sinh cho phụ nữ Việt Nam”.
Bà
Vương Thị Lai đã xứng đáng với tấm huy chương quí và lời khen ngợi của
Bác Hồ. bà đã lặng lẽ tiếp tục đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu
đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành trong những ngày khó khăn cuối năm
1946. Sau này, bà lại tiếp tục góp tiền ủng hộ xây dựng Nhà máy Da
Thụy Khê, nhà máy dệt khăn mặt. Bà tham gia Hội đồng Nhân dân thành
phố, là ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới của Việt Nam và ủy viên Ban
Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam. Tinh thần hăng hái hy sinh vì nước của
phụ nữ Việt Nam và của bà Vương Thị Lai thật đáng quí biết bao!
PHẠM VIỆT ANH
(Viện Hồ Chí Minh)
Bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số 5128 ngày Thứ bảy 19-10-1991
đăng lại bởi Mai Thế Trạch, con trai bà Lợi Quyền.
0 nhận xét:
Đăng một Nhận xét