Translate

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

TÔI VÀ... Ô TÔ



 Văn Công Hùng




Chỉ cách đây mươi năm, thú thật, tôi chả nghĩ mình sẽ có thể tự cầm vô lăng một cái ô tô, dù thực ra, thi thoảng đi đâu đó, tôi cũng đã từng tranh thủ chạy thử một tí, nhưng là chỉ để thử cảm giác tốc độ khi đường thật vắng và chú lái xe tự nhiên nổi hứng dễ tính với cách chạy chỉ một số duy nhất. Và chính vì lái thử thế nên mới thấy, làm chủ ngòi bút, bàn phím… dễ hơn làm chủ vô lăng. Và tặc lưỡi: thôi, cứ xe máy cho lành, đi đâu xa có người lái, mình ngồi trên xe đọc sách (cả làm thơ như anh Thăng nói), lướt web, ngủ, bâng quơ ngó nghiêng, thi thoảng phán vài câu để lái xe dạ theo, nó có tư thế… ông chủ hơn. Với lại, học lái mà không có xe để lái thì nó lại sẽ… quên. Có bằng lái mà khi có việc cần phải lái mà lại… quên cách lái, nó quê hơn rất nhiều không biết lái.


Năm nào đấy nhà văn Nguyễn Hoàng Thu bỗng dưng nổi tiếng vì bị… đốt xe. Vốn ông nhà văn này là phóng viên báo Thanh Niên, đã cùng vợ cũng là nhà thơ nhà báo của báo Tiền Phong cùng thường trú ở Buôn Ma Thuột, tham gia điều tra một vụ đụng đến đại gia. Nửa đêm có 2 đứa trẻ con lẻn vào nhà và phóng hỏa đốt chiếc xe của ông. Vấn đề là, cái xe của ông rất cũ, và trong xe thì nghe đồn là luôn có cả áo mưa và mũ bảo hiểm vì… dột. Còn chuyện lái xe của ông thì nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chứng kiến bằng cách thề là không bao giờ ngồi trên xe ông Thu nữa, bởi đơn giản, ông chỉ đi tiến được chứ không thể lùi. Lần ấy đến một ngã tư để lùi vào khách sạn, ông không cách gì xử lý được bèn cứ… chạy vòng ngã tư, nghe nói phải hết xăng xe tự dừng và cả ông nhà văn tài xế lẫn ông khách nhà văn ngồi trên xe đều mặt xanh như tàu lá bước xuống nhờ cảnh sát giao thông xử lý hộ.

Nhà văn Nguyễn Một, là nhà văn thuộc thế hệ trẻ, coi việc lái xe như thò tay vào túi quần móc khăn mùi xoa lau mặt, nhưng khi tậu cái xe về, cú lái đầu tiên vào nhà đã khiến bảo hiểm thất thu đúng 38 triệu. Khi vào ông tạt nguyên cái gương chiếu hậu vào tường, hốt hoảng ông lao ra theo tư thế… xiên và toàn bộ thân xe hôn cổng.

Nhà văn Phan Đình Minh là người vừa chở tôi về nhà anh ở Cẩm Giàng  thì bị tố là khi lái xe vào nhà thì… không thể lùi ra được. Một thằng cháu được phái chạy xe máy ra ngã tư đứng bắt một chiếc tắc xi dừng lại rồi… trình bày, nhờ tài xế tắc xi cứu nạn bằng cách lùi giúp ra ngoài, tất nhiên phải trả tiền cho anh tắc xi, như một cách… ôn tập.

Tôi chơi với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khá lâu, nói thật ngồi sau lưng để anh chạy xe máy chở mình trên phố Hà Nội bao giờ cũng như đánh cược tính mạng mình vào tay lái rất “lãng mạn” của anh, thế mà một ngày, anh chễm chệ trên một con ô tô xịch đến một cuộc họp khiến ai cũng mắt tròn mắt dẹt. Trước đấy tôi nhớ, có một cuộc bạn bè ngồi với nhau, có ai đó gọi cho Nguyên, anh bảo đang tập lái xe trên Xuân Mai thì ai cũng cười vẻ như… trời sắp sập.

Giờ thì rất nhiều nhà văn tung hoành trên ô tô. Mỗi khi ra Hà Nội công tác, thế nào cũng có một nhà văn đàn anh xung phong cõng tôi đi chơi bằng xe, và, chưa thấy ông nào phải thuê người lùi. Kinh hơn, có chuyến ông nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, giám đốc hãng phim Hội Nhà Văn Việt Nam, để tiết kiệm kinh phí, lần đi làm phim xuyên Việt, ông trực tiếp cầm lái luôn, nghe nói tổng cộng chuyến ấy ông lái gần 3 nghìn cây số, mà vừa lái vẫn làm giám đốc, chỉ huy đoàn phim, chứ lái xe chuyên nghiệp, đến nơi là nghỉ, là chơi, kệ các ông làm gì thì làm. Cũng như thế có lần tôi được đón nhà thơ Nguyễn Duy tại Pleiku, cũng là nhờ… xe. Ấy là nhà báo Tâm Chánh, thời ấy là Tổng biên tập báo Sài Gòn tiếp thị, mua một chiếc xe mới, bèn… giao cho nhà thơ Nguyễn Duy bóc tem, bằng cách chở thêm kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Trọng Huấn, nhà văn Nguyễn Trọng Tín và vài người nữa, chạy xuyên Việt chỉ để… nhắm rượu. Đến tất cả các lò rượu, vùng rượu nổi tiếng khắp đất nước, uống rồi bình và viết.  Khi đi ra thì chạy đường số 1 còn khi về chạy đường Trường Sơn. Lần nữa, tôi được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho ngồi trên con xe X6 của ông. Thấy thì nó cũng hơi… giông giống mấy con xe tã mà tôi hay được đi, nhưng khi hỏi đến giá thì tôi mật xanh mật vàng, và mới bắt đầu tìm hiểu X6 là gì?

Lại có lần tôi đi Bản Lác, Hòa Bình, qua khá nhiều đèo nguy hiểm mà ớn nhất là dốc Cun. Lái xe là nhà văn nhấp nhỉnh 70 Hà Phạm Phú. Ông nguyên là giáo viên đại học kỹ thuật quân sự, con xe lại mới, tay lái vẫn mượt vì khác các nhà văn nhà thơ khác khi lái xe (trong đó có tôi) là chỉ biết lái, ông hiểu rõ tại sao nhấn ga xe lại chạy được, tại sao khi phanh thì xe dừng và vì sao khi xoay vô lăng thì xe lại vào cua. Đừng tưởng là nói chơi, mà khi anh hiểu rõ tính năng kỹ thuật của xe, cũng như công dụng của từng bộ phận thì sự tự tin nó tăng lên gấp bội. Và đi kèm nó là sự an toàn…

Và thế là tôi bỗng… mê xe, muốn học lái xe, để tự mình điều khiển một con xe, bởi nhìn cái dáng lơ ngơ lóng ngóng của tôi, một hôm vợ khích: ông mà biết lái xe tôi rút tiết kiệm, chi hẳn cho ông 100.000.000 (một trăm triệu) mua lấy một con xe mới nhất hiện đại nhất mà chạy (vợ tôi thấy lũ bạn tôi toàn chạy xe vài chục triệu nên tưởng trăm triệu là nhất quả đất rồi).

Thế là một ngày đẹp trời, tôi rủ 3 gã nữa nộp hồ sơ, toàn bọn lơ ngơ, một nhạc sĩ, một nghệ sĩ nhiếp ảnh và 2 nhà thơ.

Hôm đầu tiên có một cái lễ nhỏ giữa 4 ông học lái. Ông lớn nhất 58 nhỏ nhất cũng 54 tuổi. Ăn sáng, đóng thêm một ly lấy khí thế rồi xuống sân tập. Thầy dạy đánh xe ra, giải thích 4 anh sẽ học ở xe này. Xe này là tôi và một anh nữa góp vào với trung tâm nên ngày nào các anh học thì… đổ xăng chạy (thực ra tiền xăng xe học đã tính vào học phí rồi, nhưng thôi, thầy đã nói, cứ Ok cho nó vui vẻ cả làng). Rồi nói qua loa về ga, thắng, côn xong hỏi anh nào lái trước. Ba anh kia ngúc ngắc nhìn nhau, tôi hùng dũng bước vào. Và thế là… Driver.

          Cuối buổi tập đầu tiên thì mời thầy đi nhậu, và tôi hùng dũng tuyên bố sau ly rượu thứ 5: nếu rớt 25% thì là phần của nhà thơ Phạm Đức Long, anh này cầm vô lăng cứ vặn chéo như đang Gangnam Style, mặt mũi căng thẳng, xe cua hướng nào thì miệng méo theo phía ấy, mỗi khi thắng thì chồm người lên phía trước, chống hai tay vào vô lăng, đầu gí sát vào kính. Rớt 50% thì phần của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, anh này rất cẩn thận, cẩn thận đến mức, nổ máy xong ngồi… ngắm, mãi không vào số, hỏi sao thế, bảo từ từ cho hết… run đã. Anh này có tài hết ngày thứ nhất vẫn chưa phân biệt ga với thắng. Và vì thế tôi mới biết vai trò của cái thắng bên phụ của xe học lái và tại sao thầy luôn phải ngồi phía ấy. Còn nếu rớt 75% thì là phần nhạc sĩ. Lão này mãi mà vẫn không biết hạ thắng tay, mỗi lần cần hạ thắng tay là một lần… nói tiếng Đan Mạch. Thầy cáu thì hắn dọa: tôi còn nóng hơn thầy nhé, đừng dọa nhau…

 

Nói thật là tôi… không học lý thuyết. Hồi ấy thi đang còn dễ, có thể “giúp” được. Tôi nói với mấy ông bạn bên sở Giao thông: Tớ không học lý thuyết đâu, vì với khả năng của tớ, khi chạy tớ sẽ hiểu các biển báo nói gì và chạy thế nào là đúng luật, còn thực hành thì tớ sẽ học thật ổn để thi, không nhờ vả gì…

          Nhưng đến lúc thi thì hình thức thi mới bắt đầu có hiệu lực, ấy là toàn bộ quá trình thi xử lý bằng cảm ứng, lý thuyết chấm bằng computer và truyền trực tiếp ra ngoài cho mọi người cùng giám sát, con ruồi bay cũng không lọt. Và nhờ thế mà tôi mới biết rằng, học lý thuyết trên mạng online cực kỳ thú vị, y như chơi game.

          Mấy tháng trời, cứ thứ 7 chủ nhật là chúng tôi quần ở sân. Một hôm thấy T.H phóng viên báo Thanh Niên cũng đang bặm môi bặm lợi vặn vô lăng, hỏi học lâu chưa, nói mới 2 tuần, có người ở sở Giao thông dắt xuống… gửi, nên chỉ tập mấy hôm rồi thi. Hôm ấy xe đang đề pa dốc, hắn gồng người thế nào mà cái xe lao… ngang, như xe tăng công đồn. Thế mà rồi hắn thi trước bọn tôi đến mấy tháng, và đậu, mua ngay con xe chạy ầm ầm.

          Nói nhanh để bạn đọc yên tâm là cả bốn đứa chúng tôi không đứa nào… đậu ngay lần đầu. Mua vé thi lý thuyết, 3 ông đậu, ông Long rớt. Vào thi thực hành cảm ứng, tôi vào đầu tiên. Thắt dây an toàn. Véo von hát, giơ tay chào ban giám khảo, tiếng loa ngọt nghẹt: Xe số 5 vào thi. Thì vào. Đánh xi nhan, tắt xi nhan. Ổn rồi. Nhường đường cho người đi bộ. Ổn luôn. Đề pa dốc. Chuyện nhỏ. Ngay buổi học đầu tiên tôi là người duy nhất trong 4 đứa chơi thắng chân chứ không dùng thắng tay như bài dạy, và xử lý như chuyên nghiệp từ hồi ấy. Vào cua để vượt hàng đinh. Dừng lại một tí, ngắm nghía, thẳng tưng rồi, cho xe bò tới. Được nửa hàng đinh con Maika léo nhéo: bạn đã đi ra ngoài. Bạn đã thi trượt. Xin mời bạn đánh xe về nơi đỗ. Ông nhiếp ảnh thì đến đề pa dốc cứ đứng ì ra, lại con Mai ka thông báo: Đã hết thời gian, mời bạn đánh xe về nơi đỗ. Ông nhạc sĩ thì vào chuồng leo luôn lên… thành chuồng…

          Tất nhiên là không ai bỏ cuộc, tất cả vẫn hăm hở nộp tiền thi lại. Và lạ kỳ chưa, cái ông tưởng 100% là rớt lại là người đậu đầu tiên. Ông này đi một lèo về đích, chỉ bị trừ 5 điểm. Khi xuống trả xe, toàn bộ người ông ướt đẫm, kể cả… tất. Và, cái người mà từng tự hào là nếu 100% rớt thì mới tới lượt tớ là… tôi thì lại là người đậu cuối cùng sau… 5 lượt thi. Tất cả đều tại một chỗ duy nhất: vượt hàng đinh. Đi qua thì đương nhiên là đậu, leo lên vạch thì bị trừ 5 điểm, nhưng tôi, cả 4 lần đều… đi ra ngoài, dù biết là trong hoàn cảnh ấy, đi ra ngoài khó hơn đi vào trong, và đi dễ nhất là cán vạch. Thế mà vẫn cương quyết đi ra ngoài, đến 4 lần. Nhưng thi là thế. Có 1 anh đại tá quân đội cũng thi… 4 lần, bảo tôi đứng trước hàng ngàn quân, hô phát nó im phắc, chúng nó run chứ mình lạnh băng, thế mà ngồi vào cầm lái lại run hết tứ chi.

          Cái đoạn khám sức khỏe để học lái cũng buồn cười. Họ vẫn sử dụng thông tư của bộ y tế từ cái thời lái… com măng ca và Zin 3 cầu nên quy định nam phải trên 1,6m, nữ trên 1,55m. Mà loại này giờ lái xe nhiều lắm. Thế là tất cả đi… mua giấy khám sức khỏe. Xe bây giờ nó trợ lực hết. Thấp thì điều chỉnh cho cao, ngắn thì điều chỉnh cho dài, tay lái trợ lực nhẹ hơn vuốt tóc… thế mà vẫn áp dụng cái quy định lỗi thời đến mấy chục năm để hành nhau.



          Cũng nói thêm, giờ thi toàn bộ bằng coputer nên việc thi lý thuyết và sa hình không thể tiêu cực được, không phong bì phong bao gì hết, nhưng thi đường dài thì vẫn còn. Đây là công đoạn duy nhất đến giờ còn thi bằng cảm quan người chấm. Nghe nói sắp tới cũng sẽ tự động hóa. Hầu như ai sau khi thi đậu lý thuyết, sa hình, đến món này cũng được thầy dạy gợi ý: nộp 1 triệu chống trượt- và thực tế thì chưa thấy ai thi trượt đường dài. Ông thầy dạy biết tôi là nhà văn nhưng vẫn gợi ý nộp 1 triệu. 3 tên kia nộp, tôi bảo tôi quen nên không cần. Và tôi điện cho ông bạn là lãnh đạo sở: tôi không tiếc tiền, nhưng không thích chung chi vớ vẩn, ông nhắc hội đồng chấm chính xác hộ tôi. Ông thầy lại dặn: Thế thì anh thi sau nhé. Một vòng thi 2 người, người lái đi người lái về, anh đợi người kia đi rồi anh lái về cho chắc. Đến lúc thi, nghe đọc báo danh xong tôi chui vào ngồi trước tay lái luôn, chấp nhận thi trước. Anh giám khảo ngồi sẵn trong xe, còn trẻ, tôi chào rất to nhưng mặt vẫn đăm đăm không trả lời. Cái xe thi đường trường là loại xe sản xuất chắc ngang thời… U oát, cái gì cũng nặng, từ ga, côn, số đến vô lăng, cả còi cũng bấm hết cỡ mới kêu. Thắng thì mới khẽ đụng vào đã đứng khựng lại. Suốt quãng đường lái tôi nói chuyện với anh thi cùng ngồi ghế sau chứ ông giám khảo vẫn không nói gì. Khi tôi kêu cái gì trên xe cũng nặng anh này gắt: nặng gì mà nặng. Đến lúc xuống xe tôi chào và hỏi: anh lái được không em? anh này gọn lỏn một câu: yếu quá. Yếu cũng kệ nhé, đây không do dự nhé. Bước đến bàn để ký tôi hỏi cậu thư ký: anh về được chưa em, ý văn học là anh có đậu không? nó cười rất tươi: Dạ anh về đi. À mà anh làm gì ạ? anh là nhà văn. Thảo nào thấy sếp gọi…

          Mấy ngày sau thì tôi có bằng, ông thầy mang đến tận nhà, tất nhiên là tôi, cũng như mọi người, lại có 1 phong bì cám ơn ông…

          Và ngay sau đấy thì tôi nhận 100 triệu của vợ để “mua con xe mới nhất, đập hộp, nhập khẩu, hiện đại nhất bây giờ”, và đi mua xe, có điều tôi phải méo mặt mượn thêm 400 triệu nữa để giải quyết lệnh của vợ. Tôi may mắn hơn các đàn anh từng cho xe vào gara, là ngay sau khi mua xe, làm một cú một mình một xe đi Phú Yên, cả đi và về hơn 600 cây, và… an toàn. Và đến giờ xe cũng mới chỉ một lần vảo xưởng để tút lại tí đầu bị xước. Có khi là tại thi lại nhiều nên tay lái nó… cứng cũng nên, vậy nên nếu thấy ai thi lái xe phải thi lại nhiều, chớ vội cười bạn nhé…

Chùm ảnh dưới đây là nhà báo cự phách Huỳnh Dũng Nhân chỉ đạo: Ông phải chụp mấy cái ảnh, một cái đang bơm xe (Ông em là Ng Bác Thạch, Pgđ sở XD GL một hôm bảo: Muốn xe đẳng cấp phải có cái bơm trên xe, để em tặng bác 1 cái, và thế là hắn lụi hụi gửi mua rồi mang đến tận nhà tặng), một cái lau kính xe như lau mặt người yêu, và 1 cái ông đang vẫy tay sang đường như ông đang lái xe ở thế kỷ 18 ấy, hehe...
     


                                                              
         
 
Được đăng bởi Văn Công Hùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét