Translate

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NGỌ BÁO (1)


XUẤT BẢN & ĐÌNH BẢN

Tháng 6 năm 1927 cụ Bùi Xuân Thành và con trai là ông Bùi Xuân Học, cho xuất bản tờ Hà Thành ngọ báo. Tòa báo đặt tại nhà số 24T Gia Long (còn được gọi là Hàng Giò (?) tức phố Bà Triệu ngày nay) xế xế đền Vũ Thạch bên kia đường.
B=bis tức 2, T=ter tức 3 : là cách xếp thứ tự số nhà khi có những nhà mang cùng một số trong một phố nào đó.
Khởi đầu nhật báo mang tên là Hà thành nhật báo sau mới rút gọn thành Ngọ báo.
Năm 1929, ông Hoàng Tích Chu (1897-1933) người đã sang Pháp học nghề viết báo, được  mời về làm chủ bút. Phần trình bày do ông Đỗ Vân, người cũng đi học nghề in báo ở Pháp về phụ trách, thực hiện với mục đích gây hấp dẫn, ấn tượng mạnh cho người đọc.
Hoàng Tích Chu đã cách tân tờ báo toàn diện về cả hình thức lẫn nội dung. Về nội dung, ông thực hiện một văn phong cô đọng, rút gọn tối đa câu chữ, rút ngắn toàn bộ những thể loại như tiểu phẩm, xã thuyết, thời luận, tránh hết sức lối văn biền ngẫu.
Ở trang nhất, cột 1 bao giờ cũng có một bài xã thuyết (xã luận) do chính chủ bút chịu trách nhiệm viết bàn về những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Cột 2 đưa những tin sốt dẻo, cô đọng, được đặt tít giật gân cỡ lớn, kích thích trí tò mò của độc giả như "Thi gan với xe lửa bị húc vỡ bong bóng", "Một ông Tây chủ đồn điền bắn nhầm chết con ông Chánh Tổng"...
So sánh với báo ngày nay thấy sự phong phú không thua kém. Có chăng chỉ kém về số trang dành cho quảng cáo ít hơn bây giờ thôi.
Ngọ báo cũng tạo nhiều mục mới lạ do được nhiều văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng tham gia. Báo lập ra những vị trí, phụ trương riêng khi có những mục quan trọng như : truyện đăng nhiều kỳ (feuilleton), Thể thao, Xi nê ma mà báo gọi là “Nghệ thuật thứ bảy”. Chính những mục đó lại được đông dảo người xem yêu thích , như bây giờ gọi là ‘câu view’. Thực ra xã hội cũng vẫn còn có những tin vặt vãnh không đáng kể nữa chứ ! Những mẩu tin đó trong nghề báo gọi là “tin chó chết, hay xe cán chó” chỉ đăng khi thiếu bài, lấp chỗ trống hoặc để dành cho mấy biên tập viên mới vào nghề, và đăng ở những trang hay cột không quan trọng.
Nhờ có feuilleton, không chỉ riêng của Ngọ báo, mà tôi được biết đến các chuyện kiếm hiệp cổ như Chinh Đông, Chinh Tây, Ngũ hổ bình Liêu v..v với các nhân vật Tiết Nhân Quí, Phàn Lê Hoa, Tiết Đinh Sơn ; các câu chuyện ly kỳ như Tiết Giao đoạt ngọc, Tiết Đinh Sơn (Quý ?) nhất bộ nhất bái đi mời Phàn Lê Hoa về giúp phá giặc, Hồ Nguyệt cô hóa cáo v.v…
Trong số các trang phụ trương, tôi thích nhất trang Nghệ thuật thứ bảy sẽ nói sau.
Các văn nghệ sĩ dã viết cho Ngọ báo có :
Văn  :
Thanh Châu
Phùng Tất Đắc
Phan Trần Chúc
Vũ Trọng Phụng
Thơ  :
J.Leiba (Lê Văn Bái)
Ngân Giang (nữ)
Thường các văn, thi sĩ đồng thời viết cho nhiều tờ báo chỉ trừ một số trường hợp đăc biệt như các ông Hoàng Tich Chu (chủ bút), Đỗ Vân (phụ trách in ấn) thì cộng tác lâu năm hơn. Nhưng đến năm 1929 thì hai ông H.T.Chu và Đỗ Vân cũng thôi không còn cộng tác với báo nữa.
Điều đáng sợ nhất cho nghề báo là bị kiểm duyệt.
Chế độ kiểm duyệt báo chí được áp dụng ít nhiều tùy vào văn hóa và chính thể ở mỗi nơi. Ở những nước Tây Âu Bắc Mỹ thì mức độ kiểm duyệt gần như không có hoặc rất ít.  Tại VN chế độ kiểm duyệt có ngay từ thời thực dân Pháp bắt đầu ở nước ta. Kiểm duyệt không đáng kể hay gắt gao cũng tùy là thời bình hay thời chiến, việc đánh giá là vi phạm hành chính hay có yếu tố chính trị.
Ngoài việc phải làm hài lòng chính quyền Bảo hộ, báo chí thời đó còn phải tránh không có nội dung chỉ trích hay bất kính với giới sĩ lại và triều đình Huế vì sẽ bị ghép vào tội "phạm thượng" (lèse majeste). Vì vậy một tờ báo được phép lưu hành ở Nam Kỳ vẫn có thể bị cấm ở ngoài Trung hoặc Bắc Kỳ vì hai xứ này, ít ra trên danh nghĩa vẫn thuộc hoàng triều nhà Nguyễn.[1] Trường hợp báo Trung lập năm 1933 vì dám đăng một bài báo gọi vua Bảo Đại là "thằng Trời" liền có lệnh đình bản. Tờ Ngọ báo và Phong hóa năm 1936 cũng bị kỷ luật khi đăng bài châm biếm nạn tham quan.[3]   ([3]  theo Ho Tai, Hue-Tam. tr 286-7).
Một tờ báo bị kiểm duyệt có thể bị cắt xén đoạn ‘nhậy cảm’, hay hủy toàn bộ bài, gọi là ‘đục bỏ’ thậm chí cấm phát hành toàn bộ số báo đó. Cấm phát hành thì gọi là đình bản, thời gian đình bản cũng thay đổi ngắn tùy theo mức độ nhận định của cơ quan kiểm duyệt.
Tờ Ngọ báo bị đình bản năm 1936 như nói trên không rõ hạn định thời gian bao lâu tôi chưa tìm hiểu được.

Đăng bởi Mai Thế Trạch tháng 11/2015


Hoàng Tích Chu















Tài liệu tham khảo :
  1. Viết theo trí nhớ
  2. https://vi.wikipedia.org/w/index.php?search=ng%E1%BB%8D+b%C3%A1o&title=%C4%90%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t%3AT%C3%ACm_ki%E1%BA%BFm&fulltext=1
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ki%E1%BB%83m_duy%E1%BB%87t_%E1%BB%9F_Vi%E1%BB%87t_Nam