Nguyễn
Quang Lập
Xưa
mình ở Lò Sũ, rất gần Bờ Hồ, trừ khi mưa to gió lớn, mỗi buổi sáng đúng năm giờ
lại chạy ba vòng quanh hồ.
Đúng giờ ấy, những tên đạo chích, những ả ăn sương, những kẻ thất lỡ vận
lặng lẽ rút khỏi những chiếc ghế đá, nhường chỗ cho khoảng một hai ngàn người
vào mùa hạ, năm bảy trăm người vào mùa đông, tràn ra Bờ Hồ vươn vai hít thở,
văn vẹo uốn éo, chạy nhảy đấm bóp… Bờ Hồ bừng thức, sống động lạ thường.
Vòng quanh một ngàn bảy trăm mét Bờ Hồ có ba lớp. Ngoài cùng là lớp chạy, ở
giữa là lớp đi, trong cùng là lớp thể dục, võ thuật, cầu lông và tán gẫu.
Lớp chạy chừng hai trăm người, bắt đầu bằng cụ già bảy nhăm tuổi, mặc bộ lụa
trắng, thắt đai đỏ, vác đại đao gỗ dài hơn hai mét, vừa chạy vừa hô. Cụ chạy
theo nhịp 2/4, dậm giật dậm giật, hô một hai một hai, mặt đằng đằng sát khí y
như sắp xáp mặt quân thù.
Theo sau cụ và luôn vượt qua cụ có đủ mặt các tầng lớp xã hội từ tây đến ta.
Một anh làm hậu đài sân khấu chèo, mắm môi mắm lợi chạy như đuổi lợn sổng
chuồng. Một cô bán bún quần xoóc áo pull, đùi đỏ như đồng, ngực rung bần bật,
vừa chạy vừa rắm kinh hồn. Đã thế còn hất mặt lên trời hít hít thở thở.
Một nữ nhà thơ, trông chị chạy tức tưởi như đang bị chồng đuổi đánh. Một
anh đồ tể, ngã xe máy bị liệt một chân, kiên nhẫn kéo cái chân liệt quanh Bờ Hồ
một vòng hết hai giờ không nghỉ.Một bác vẹo cột sống, chạy như lên đồng, vừa
chạy vừa múa tay, nom hân hoan như vừa trúng số độc đắc.
Một anh hát rong, vẫn ngân nga ở ga Hàng Cỏ, sáng nào cũng chạy hai vòng, trước
khi xỏ cái chân thật vào cái chân giả, cà nhắc cà nhắc đàn đàn hát hát những
đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim… chỉ độc mỗi bài hát ấy thôi thế mà cũng kiếm
được bộn tiền.
Sau anh “ đời hát rong” là nghệ sĩ Tiến Đạt cắm cúi vừa chạy vừa hớt hãi
nhìn như đang chạy tìm trẻ lạc. Nhà báo Xuân Ba vừa chạy vừa đi, mồm miệng vẫn
tích cực hít thở, mắt thì soi đùi không sót cô nào. Nhà thơ Trần Quang Đạo,
chạy nửa vòng rồi quay trở lại, tính ăn gian cho đủ ba vòng.
Rồi Nhà văn Nguyễn Việt Hà, họa sĩ Lê Thiết Cương, tiến sĩ Trần Trọng Thưởng
chạy vật vờ như đám mất sổ gạo, hễ thấy tốp chân dài nào chạy qua thì mắt sáng
như sao, ba chân bốn cẳng đuổi theo vô cùng hoan hỉ.
Rồi các trưởng phó phòng, trưởng phó công ty, vụ trưởng thứ trưởng bộ
trưởng…bụng eo cổ ngẳng, bụng béo cổ lùn đua nhau chạy như chạy giặc.
Rồi mấy bác Trung Quốc, mấy chú Hồng Kông, mấy em Việt kiều yêu nước xòe váy
chạy trước gió trời, trông không chê vào đâu được.
Sau đó là tây tiếp thị, tây ba lô, tây "phi chính phủ”…, có cả cái anh “go
go tôi đã về đây và ở lại đây cùng các bạn”, chạy phởn phơ trước cả ngàn cặp
mắt thèm khát bốc cháy gái An Nam.
Đặc sắc nhất vẫn là một cụ già bảy hai tuổi, tóc trắng như cước, nghe nói
ở phố Hàng Dầu, lại nghe nói cụ vừa cưới một cô hai hai tuổi, sau khi cụ bà về
trời vì tuổi cao sức yếu.
Cụ dậy từ bốn rưỡi sáng, cắm cổ chạy từ bảy đến chín vòng, tức khoảng 12 đến 14
km, một kỷ lục dân dưỡng sinh Bờ Hồ không ai vượt qua được. Đám văn bút lau
nhau chạy theo cụ, nói cụ ơi cụ ơi bi giờ một đêm cụ làm mấy choác, cụ cười hà
hà, nói giờ già yếu rồi, chỉ làm tạm năm sáu choác rồi ngủ thôi.
Chưa thấy khi nào thấy vợ cụ chạy theo cụ, nhưng không một buổi sáng nào cụ
không rủ được một cô cùng chạy. Lúc thấy cụ chạy với một bà nạ dòng mập ú, ngực
rung chuyển rộn ràng như múa lân. Lúc thấy cụ chạy với một thanh nữ, mông
mây mẩy, má mòng mòng, môi mưng mưng, mắt mấp máy, vừa chạy vừa liếc xem còn có
ai nhìn mình nữa không. Lúc thấy cụ chạy với một me đầm nặng chừng hơn tạ, cả
khối thịt trắng phau cứ xoay qua xoay lại, bà cười toe toét, nói ánh lám ém mét
quà( anh làm em mệt quá). …
Đến sáu giờ, trên một ngàn bảy trăm mét chu vi Bờ Hồ tràn ngập những người cao
tuổi, chia thành bảy nhóm, trừ nhóm giáp ngã tư Đinh Tiên Hoàng- Hàng Khay toàn
cụ bà, còn lại không có nhóm nào không có các cụ ông. Có ba nhóm rất được dân
dưỡng sinh Bờ Hồ nể trọng, ấy là nhóm hô, nhóm họp và nhóm hát.
Nhóm hô ở Nam Bờ Hồ, bên phải nhà hàng Thủy Tọa, có khoảng một trăm cụ bà và
dăm bảy cụ ông. Tất thảy các cụ ông đều đảm nhiệm một chức vụ nào đó. Một cụ
ông đánh đàn organ, cụ không phải tập, sáng nào cũng chở đàn, loa, ác qui ra
chờ sẵn từ rất sớm. Khi có lệnh tập thì cụ tay vung đầu rung mắt nhắm chơi đi
chơi lại mỗi điệu anh Kim Đồng ơi anh Kim Đồng ơi…
Các cụ còn lại thay nhau hô khẩu lệnh, các cụ này cũng không phải tập nên hô
rất hăng. Một cụ nhỏ thó, đứng chắp tay sau đít hô to đến nỗi đứng ở Bưu điện
vẫn nghe tiếng cụ vang vang.
Xem thì biêt tác phong của cụ là tác phong của ông cả đời mới được làm
lãnh đạo, chỉ cái chức trưởng nhóm dưỡng sinh thôi mà vô cùng nghiêm trọng. Vừa
hô cụ vừa lừ mắt quan sát, hễ thấy cụ bà nào nói chuyện là lập tức rút sổ ghi
tên ngay tắp lự.
Nhưng cái sự hô khủng khiếp của cụ xem ra không được uy tín, tháng sau ( có lẽ
đã họp hành chán chê, biểu quyết ê hề) thấy xuất hiện cụ khác thay thế, tiếng
hô sấm rền nhói óc. Thế mà vẫn không ổn, bèn thay bằng cái catset 50w tiếng
vang vang xói đến tận Hàng Vôi.
Rồi cái catset ấy cũng không ổn, lập tức được thay một lúc hai cụ, một cụ
hô khẩu lệnh, một cụ hô nhịp ầm vang hoành tráng, ở xa tưởng tiếng thét
Hội thề bên sông Như Nguyệt ngàn năm trước, đến gần chỉ thấy vài mươi cụ bà ốm
nhom vừa tập vừa ngáp vừa nói chuyện.
Nhóm họp phía góc đường Tràng Thi- Bà Triệu, nhóm này thay món dưỡng sinh
liên tục. Lúc đầu múa kiếm, được vài hôm thấy cụ trưởng nhóm đứng trước micro
nói rất ghê, sau đó thay bằng múa gậy, sau đó thay bằng Thái cực quyền, sau đó
thay bằng tám bài thể dục bình dân, sau đó nửa múa kiếm nửa chạy, sau đó nửa
múa gậy nửa thể dục bình dân…thay đổi tít mù rối như canh hẹ, y chang thời giá
lương tiền thủa đất nước gieo neo.
Nhưng căn bản nhóm này là họp, họp rất ghê, tất cả các cuộc họp đều hết
sức nghiêm trọng và căng thẳng. Micro có chân, loa cỡ lớn, ngồi hàng một hàng
hai thẳng băng và họp. Tập nửa giờ thì họp một tiếng, có khi họp đến mặt trời
đứng bóng vẫn chưa xong. Thất kinh.
Nhóm hát ở sát ngay Tháp Bút. Nhóm này rất hay, chỉ chừng mươi lăm cụ thôi, tập
cũng hăng hát cũng khỏe. Cứ xong buổi tập, mặc ai đi Đông về Tây, nhóm này tập
trung lại hát cái đã.
Một cụ mắm môi mắm lợi bắt nhịp, tập từng câu một rất kiên trì, toàn
những bài ca ngợi non sông gấm vóc do các cụ sáng tác. Lại còn đọc thơ nữa, đọc
ở đài phường chưa đã nư, phải ra đây đọc mới đã. Cụ nào cũng làm thơ, thơ vần
vè, thơ thất vận đủ hết, các cụ đọc say sưa, bài nào cũng được xuýt xoa khen
sâu sắc.
Có cụ thơ có bốn câu, kể xuất xứ bài thơ hết bốn chục câu, dừng lại giữa chừng
giải thích từ nọ từ kia câu nọ câu kia hết hơn trăm câu nữa. Hôm sau vẫn đọc
đúng bài đó, lại kể xuất xứ bài thơ hết bốn chục câu, dừng lại giữa chừng giải
thích từ nọ từ kia câu nọ câu kia hết hơn trăm câu nữa… thế mà không thấy ai
chán.
Ai thế nào mặc lòng, các cụ cụ nhóm này vẫn sáng sáng ra đây, tập hợp nhau lại,
bá vai hót cổ đu đu đưa đưa, hát và đọc thơ ca ngợi non sông gấm vóc. Hay, he
he.
Bao quanh Bờ Hồ là hệ thống dịch vụ. Dịch vụ điểm tâm chuyên trị đậu hũ, sữa
đậu nành, chủ yếu phục vụ các cụ ông mở hầu bao đãi xả láng các cụ bà. Dịch vụ
cân sức khỏe, bà béo thì nhẹ đi, ông gầy thì nặng lên, cân Tàu biến hóa khôn
lường. Dịch vụ nhiếp ảnh, phục vụ tận tâm các đôi nam nữ ở quê ra. Dịch vụ vệ
sinh giá bao cấp một nghìn đồng một suất, bất kể anh có khai gian đi nặng ra đi
nhẹ.
Bây giờ đang mùa lạnh, mình vừa đi qua đó thấy quân số dưỡng sinh giảm đi quá
nửa, tuy vẫn không hết rộn ràng. Các thanh nữ quần xooc đùi trần không ai
xuất hiện. Các nhóm cụ già cũng giải tán dần đi. Nhóm họp giải tán đầu tiên,
sau đó là nhóm hô, cuối cùng là nhóm hát.
Cụ già bảy hai tuổi, tóc trắng như cước, vẫn còn trên đường chạy nhưng vì không
còn cô nào nên trông cụ thất thểu lờ vờ như ông thất trận.
Riêng đám chạy mưu danh mưu sĩ mưu sinh vẫn bền bỉ với Bờ Hồ. Bà hàng bún ông
hát rong thằng lưu manh đứa ăn cắp, rồi trưởng phòng phó phòng trưởng phó công
ty vụ trưởng thứ trưởng bộ trưởng, rồi nhà văn nhà báo nhà giáo nhà lang băm,
rồi nghệ sĩ nhân dân nghệ sĩ ưu tú nghệ sĩ ba que… vẫn bám đuổi nhau đèn
cù rật rật chạy mãi không thôi.