Translate

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐÃ THẤT THỦ ! "Dien-Bien-Phu est tombé"


7 - 5 - 1954

 
Báo Le Parisien libéré 8/5/1954
Đã mấy hôm nay đài truyền thanh Quốc gia Pháp, đài Paris-Inter , các báo buổi sáng, buổi chiều ngày nào cũng loan tin những trận đánh ác liệt ở biên giới Việt-Trung (tài liệu lịch sử sau này gọi là “Chiến dịch biên giới”). Người ta hồi hộp theo dõi cuộc rút lui đẫm máu của binh đoàn Charton-Lepage trên những con đường đèo núi đá vôi hiểm trở, được mô tả rất sinh động qua các bài viết của các phóng viên chiến trường Lucien Bodard (France-Soir), Robert Guillain (Le Monde) gửi về. Tin Thất khê rồi Đông khê lần lượt rơi vào tay quân đội Việt Nam như những “tiếng sét nổ ra trong bầu trời yên tĩnh”…

…Nay đã là năm 1954. Tại Việt Bắc quê nhà những tin chiến thắng liên tiếp từ mặt trận Điện Biên Phủ bay đến làm nức lòng người Việt xa xứ. Người ta tự nhiên thấy cần gặp mặt những người đồng bào của mình nhiều hơn. Gặp để trao đổi tin tức, để chia xẻ niềm vui, lòng tự hào được là người Việt Nam chiến thắng. Và ngày bao năm chờ đợi trong mọi trái tim người Việt cuối cùng rồi cũng đã đến “Điện Biên Phủ đã thất thủ”

Vì thế hôm nay bà con Việt kiều nô nức tới họp mặt hy vọng được nghe những “tin chiến sự sốt dẻo” từ bên nhà gửi sang.
Khỏi phải nói niềm kiêu hãnh và sự vui mừng của người Việt Nam ở Pháp là như thế nào ! Tuy nhiên niềm vui phải dồn nén để khỏi làm thương tổn lòng tự ái dân tộc của bạn bè người Pháp.
Một hồi chuông reo báo hiệu khai mạc. Anh Nguyễn Duy Tân, người dẫn chương trình quen thuộc, giới thiệu nội dung buổi họp gồm hai phần. Phần đầu là tin thời sự nước nhà, phần hai sẽ là một chương trình văn nghệ đặc biệt. Bộ đồ lớn mà anh mặc làm cử toạ lại phỏng đoán sẽ có một điều gì quan trọng sắp xảy ra.
Qua báo chí Pháp, người Việt mới chỉ thấy được tính chất ác liệt của chiến sự. Ở đây diễn giả còn cho cử toạ thấy được tinh thần đoàn kết, gương hy sinh “tất cả cho chiến thắng” của nhân dân và quân đội Việt Nam. Bà con Việt kiều hiểu được ý nghĩa của chiến tranh nhân dân hơn và càng vững lòng tin tưởng ở thắng lợi ngày mai.
Rồi chương trình văn nghệ đặc biệt mà Việt kiều mong đợi cũng đã đến ! Đèn phòng họp mờ dần. Chỉ còn tấm màn nhung đỏ trên sân khấu được chiếu sáng. Sau 3 tiếng gõ cộp cộp quy ước tấm màn nhung từ từ mở rộng. Và kìa anh NNH., giọng ca vàng của Việt kiều, đã bước ra chào khán giả và giới thiệu anh sẽ hát một bài hát nóng hổi tính thời sự, bài “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao từ trong nước vừa gửi sang. Anh lịch sự ra dấu giới thiệu người đệm đàn là anh Cao Xuân Toàn ôm một cây accordéon to quá khổ so với tầm vóc của anh. Những hợp âm réo rắt rồi giọng hát trầm hùng của anh H. vang lên. “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u”…Thu ru bến nắng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói Thu . Nhưng sông Lô đã dậy sóng khi tàu chở quân xâm lược hùng hổ kéo qua. “Sông (Lô) gầm âm vang tiếng trái phá” cùng với “thây giặc trôi ngập bờ”. Tàu giặc đã bị diệt tan, sông Lô trở lại êm đềm “Dòng sông Lô trôi.Dòng sông Lô trôi”.  Hai anh H. và Toàn cúi chào trong tiếng vỗ tay kéo dài của khán giả.
Màn nhung vừa khép lại lại mở ra ngay sau đó. Trên sân khấu còn tối đen chợt vang lên lời giới thiệu diễn biến chính của trận đánh Thất Khê – Đông Khê. Khán giả trầm trồ vì giọng “đầm” khá chuẩn của người giới thiệu. Đây là một giọng nói mới. Mấy anh bạn ngồi sau bảo nhau đó là tiếng chị Nguyễn Thị Chỉnh, con gái BS Nguyễn Viêm Hải. một trí thức nổi tiếng, vừa từ Hà Nội sang. “…và đây là cảnh bộ đội ta giải phóng đồn Đông Khê” lời chị Chỉnh vang vang. Sân khấu sáng dần trong tiếng tiểu liên nổ giòn cùng những buớc chân chạy rầm rập và tiếng hô xung phong. Bóng những anh bộ đội thoắt ẩn thoắt hiện, lúc bên phải lúc bên trái vừa chạy vừa nổ những tràng tiểu liên rất đanh. Rồi sân khấu lúc này đã sáng trưng nhưng không một bóng người. Một loạt tiếng reo mừng chiến thắng vọng đến từ xa xa. Rồi kìa một tiểu đội chiến sỹ đầu mang mũ lá rộng vành cài lưới nguỵ trang, túi gạo quàng quanh áo trấn thủ rầm rập tiến vào. Đi đầu là một anh bộ đội to cao (anh Đặng Xuân Phong) tay giương cao cờ đỏ sao vàng. Các chiến sỹ vừa đi vừa cất cao lời ca “vào Đông Khê lần đầu tiên trong chiến dịch biên giới…” hoà với tiếng vỗ tay rộn ràng. Khán giả cũng náo nức vỗ tay hoà nhịp. Các chiến sỹ sau khi chạy một vòng quanh sân khấu đã tập hợp theo hàng ngang hai bên người đội trưởng. Lá quốc kỳ trên tay anh đội trưởng lúc này được phất lên, tung bay như reo mừng chiến thắng. Toàn thể khán phòng đều đứng bật dậy. Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay dội lên như sấm. Người ta không còn nghe rõ lời ca. Rất nhiều người miệng cười rạng rỡ mà mắt nhoè vì cảm động.
Phải nói là khán phòng hoan hỉ trong niềm vui không bờ bến…trừ một người từ lúc mọi người đứng dậy hoan hô đến giờ vẫn ngồi im, mặt đỏ lên không phải vì vui mừng mà quai hàm bạnh ra vì tức giận. Người đó là Le Curieux (tên thật hợp với nghề “dòm dỏ” của anh ta) thanh tra cảnh sát quận 5 nổi tiếng, chuyên theo dõi Việt kiều tại Quartier Latin.   
 
Đoàn xe đạp thồ chở được 2-3 tạ đã góp công cho chiến thắng ĐBP
(Trích Hồi ký của một Việt kiều tại Pháp 1949-1956 của Mai Thế Trạch, có sửa chữa 2014)

Bài có liên quan :




Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

HS.Ngoc Nga. Phóng sự của XP.NĐC.(9)

                         

HS.Phạm Ngọc Nga.Phóng sự của XP.NĐC. (8)

                           

HS. Ngọc Nga. - Phóng sự của XP.NĐC. (6)

                           

HS. Ngọc Nga. - Phóng sự của XP.NGGC. (5)

                      

HS. Ngọc Nga. Phóng sự của XP.NĐC. (4)

                            

HS. Ngọc Nga. - Phóng sự của XP.NĐC. (3)

HS.Ngọc Nga. Phóng sụ của XP.NĐC.(2)

HỌA SĨ PHẠM NGỌC NGA
 
                       

HS. Ngọc Nga - Phóng sự của XP.NĐC . ( 7 )